Lô đất và thửa đất khác nhau như thế nào? Lô đất có được cấp Sổ đỏ hay không?
Lô đất và thửa đất khác nhau như thế nào?
Sự khác nhau giữa lô đất và thửa đất được thể hiện qua các nội dung sau:
Nội dung | Lô đất | Thửa đất |
Khái niệm | Lô đất bao gồm một hoặc nhiều thửa đất liền kề có chức năng sử dụng đất giống nhau được giới hạn bởi các tuyến đường giao thông, các đường ranh giới tự nhiên hoặc nhân tạo khác. (theo Tiểu mục 1.4 Mục 1 QCVN 01:2021/BXD được ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD) | Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ. (theo khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013) |
Căn cứ xác định | Xác định bởi các tuyến đường giao thông, các đường ranh giới tự nhiên hoặc nhân tạo khác. | Xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ. |
Thể hiện trong Sổ đỏ | Không được thể hiện | Tại trang 2 của Sổ đỏ |
Pháp luật điều chỉnh | Pháp luật xây dựng | Pháp luật về đất đai |
Mối quan hệ | Lô đất bao gồm nhiều thửa đất | Thửa đất là một phần của lô đất |
Nội dung phân biệt trên chỉ mang tính chất tham khảo
Lô đất và thửa đất khác nhau như thế nào? Lô đất có được cấp Sổ đỏ hay không? (Hình từ Internet)
Lô đất có được cấp Sổ đỏ hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai 2013 về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất. Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
.....
Như vậy, lô đất được hình thành bởi nhiều thửa đất. Do đó, lô đất vẫn được cấp Sổ đỏ hay còn được gọi là cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định.
Mặt khác, việc cấp Sổ đỏ được cấp riêng cho từng thửa đất trong một lô đất. Tuy nhiên, nếu người sử dụng đất có yêu cầu cấp một Sổ đỏ chung cho các thửa đất trong một lô đất thì vẫn được với điều kiện các thửa đất là đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn.
Chính vì vậy, lô đất vẫn được cấp Sổ đỏ theo quy định pháp luật.
Lô đất quy hoạch xây dựng công trình nhà ở có kích thước bao nhiêu?
Theo quy định tại tiết 2.6.6 Tiểu mục 2.6 Mục 2 QCVN 01:2021/BXD được ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD, lô đất quy hoạch xây dựng công trình nhà ở có kích thước như sau:
[1] Lô đất xây dựng nhà ở trong các khu quy hoạch xây dựng mới tiếp giáp với đường phố: Có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥ 19 m, bề rộng mặt tiền của công trình nhà ở ≥ 5 m.
[2] Lô đất xây dựng nhà ở trong các khu quy hoạch xây dựng mới tiếp giáp với đường phố: Có bề rộng chỉ giới đường đỏ < 19 m, bề rộng mặt tiền của công trình nhà ở ≥ 4 m.
[3] Chiều dài tối đa của lô đất xây dựng dãy nhà ở liên kế có hai mặt tiếp giáp với các tuyến đường từ cấp đường chính khu vực trở xuống là 60 m.
*Lưu ý: Kích thước của lô đất trong trường hợp này áp dụng với quy hoạch xây dựng công trình nhà ở đối với các khu vực phát triển mới
Mật độ xây dựng thuần tối đa đối với lô đất xây dựng nhà ở như thế nào?
Căn cứ tại tiết 2.6.3 Tiểu mục 2.6 Mục 2 QCVN 01:2021/BXD được ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BXD, mật độ xây dựng thuần tối đa đối với lô đất xây dựng nhà ở được yêu cầu như sau:
Diện tích lô đất (m2/căn nhà) | ≤ 90 | 100 | 200 | 300 | 500 | ≥ 1 000 |
Mật độ xây dựng tối đa (%) | 100 | 90 | 70 | 60 | 50 | 40 |
*CHÚ THÍCH: Lô đất xây dựng nhà ở riêng lẻ còn phải đảm bảo hệ số sử dụng đất không vượt quá 7 lần.
Ngoài ra, mật độ xây dựng thuần tối đa của lô đất xây dựng nhà chung cư được xác định trong đồ án quy hoạch và thiết kế đô thị nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
[1] Chiều cao xây dựng công trình trên mặt đất và mật độ xây dựng tối đa (%) theo diện tích lô đất theo Bảng dưới đây:
[2] Yêu cầu về khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà
Trường hợp các công trình có chiều cao < 46 m
- Khoảng cách giữa cạnh dài của các công trình phải đảm bảo ≥ 1/2 chiều cao công trình nhưng không được < 7 m;
- Khoảng cách giữa đầu hồi của công trình với đầu hồi hoặc cạnh dài của công trình khác phải đảm bảo ≥ 1/3 chiều cao công trình nhưng không được < 4 m;
- Trường hợp trong cùng một lô đất có các dãy nhà liền kề nếu được quy hoạch cách nhau, khoảng cách giữa cạnh mặt sau của dãy nhà liền kề phải đảm bảo ≥ 4 m.
[3] Trường hợp các công trình có chiều cao ≥ 46 m
- Khoảng cách giữa cạnh dài của các công trình phải ≥ 25 m;
- Khoảng cách giữa đầu hồi của công trình với đầu hồi hoặc cạnh dài của công trình khác phải đảm bảo ≥ 15 m.
[4] Khoảng cách giữa các công trình có chiều cao khác nhau lấy theo quy định của công trình có chiều cao lớn hơn.
[5] Đối với công trình có chiều dài cạnh dài và chiều dài đầu hồi tương đương nhau thì mặt công trình tiếp giáp với đường giao thông lớn nhất được tính là cạnh dài của dãy nhà.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?