Các trường hợp nào được thay đổi tên trên giấy khai sinh?
Giá trị pháp lý của giấy khai sinh được quy định như thế nào?
Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau:
Giá trị pháp lý của giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Như vậy, giấy khai sinh được xem là hộ tịch gốc của mỗi cá nhân và giấy tờ của cá nhân cần phải khai báo nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh.
Các trường hợp nào được thay đổi tên trên giấy khai sinh? (Hình từ Internet)
Các trường hợp nào được thay đổi tên trên giấy khai sinh?
Theo Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong 7 trường hợp sau:
- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thay đổi tên trên giấy khai sinh cho cá nhân?
Theo Điều 27 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch 2014 quy định cơ quan nhà nước thẩm quyền đăng ký thay đổi tên trên giấy khai sinh như sau:
Thẩm quyền đăng ký thay đổi tên trên giấy khai sinh
- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.
Thủ tục thay đổi họ, tên trên giấy khai sinh được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 27 Luật Hộ tịch 2014, Điều 28 Luật Hộ tịch 2014 và Điều 47 Luật Hộ tịch 2014, thủ tục hướng dẫn thay đổi tên của công dân được hướng dẫn như sau:
Bước 1: Điền mẫu tờ khai thay đổi, cải chính hộ tịch theo quy định của cơ quan ban hành, mang theo giấy khai sinh bản gốc và các giấy tờ khác có liên quan.
Bước 2: Nộp tờ khai tại cơ quan có thẩm quyền
Theo Điều 27 Luật Hộ tịch 2014, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho người chưa đủ 14 tuổi.
Theo khoản 3 Điều 46 Luật Hộ tịch 2014, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.
Bước 3: Chờ thụ lý hồ sơ
- 03 ngày làm việc đối với yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch; trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 06 ngày làm việc.
- Ngay trong ngày làm việc đối với yêu cầu bổ sung hộ tịch, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
Bước 4: Nộp lệ phí và nhận kết quả.
Theo Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí hộ tịch thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do vậy, mỗi tỉnh sẽ có một mức lệ phí thay đổi họ tên khác nhau.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?