Đương sự là gì? Người làm chứng có phải đương sự không?
Đương sự là gì?
Đương sự là từ được xuất hiện và sử dụng phổ biến trong lĩnh vực pháp lý tố tụng và hoạt động xét xử.
[1] Căn cứ theo Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có giải thích cho câu hỏi đương sự là gì như sau:
- Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
[2] Trong tố tụng hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 giải thích đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
[3] Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 đương sự trong tố tụng hành chính bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự là gì? Người làm chứng có phải đương sự không? (Hình từ Internet)
Người làm chứng có phải đương sự không?
Theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về người làm chứng như sau:
Người làm chứng
Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Mặt khác theo quy định Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:
Người làm chứng
1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
2. Những người sau đây không được làm chứng:
a) Người bào chữa của người bị buộc tội;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
Ngoài ra, theo quy định Điều 53 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về người tham gia tố tụng cụ thể như:
Người tham gia tố tụng
Người tham gia tố tụng hành chính gồm đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.
Theo quy định Điều 62 Luật Tố tụng hành chính 2015 có quy định cụ thể như sau:
Người làm chứng
1. Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án được đương sự đề nghị và Tòa án triệu tập tham gia tố tụng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Như vậy, thông qua các quy định trên, người làm chứng trong lĩnh vực tố tụng dân sự, hình sự hay hành chính là người tham gia tố tụng và là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án (vụ việc hoặc tội phạm) được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
Chính vì thế người làm chứng không phải là đương sự mà là người tham gia tố tụng khác cùng với đương sự trong một vụ việc hoặc vụ án.
Năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự được quy địnhh là khả năng tự đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Cụ thể như:
[1] Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
- Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
[2] Đương sự là người chưa đủ 06 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
[3] Đương sự là người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
- Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ được xác định theo quyết định của Tòa án.
[4] Đương sự là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó.
Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
[5] Đương sự là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Đặt thiết bị báo động trong phòng vũ trường mà không phải thiết bị báo cháy nổ bị xử phạt bao nhiêu?
- Việt Nam đã có văn bản công nhận Dương lịch là lịch chính thức hay chưa?
- Danh mục loài thương phẩm của nghề khai thác thủy sản theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13981:2024?
- Từ ngày 01/01/2025, giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính như thế nào?