Người đi bộ cần chú ý những biển báo nào để không vi phạm quy định về an toàn giao thông?
Biển báo hiệu giao thông hiện nay gồm những nhóm nào?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ như sau:
Hệ thống báo hiệu đường bộ
1. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
...
4. Biển báo hiệu đường bộ gồm năm nhóm, quy định như sau:
a) Biển báo cấm để biểu thị các điều cấm;
b) Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra;
c) Biển hiệu lệnh để báo các hiệu lệnh phải thi hành;
d) Biển chỉ dẫn để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết;
đ) Biển phụ để thuyết minh bổ sung các loại biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh và biển chỉ dẫn.
...
Theo đó, biển báo hiệu giao thông đường bộ thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ và gồm 05 nhóm:
- Biển báo cấm;
- Biển báo nguy hiểm để cảnh báo;
- Biển hiệu lệnh;
- Biển chỉ dẫn;
- Biển phụ.
Người đi bộ cần chú ý những biển báo nào để không vi phạm quy định về an toàn giao thông? (Hình từ Internet)
Người đi bộ cần chú ý những biển báo nào để không vi phạm quy định về an toàn giao thông?
Những biển báo mà người đi bộ cần lưu ý để tránh vi phạm những quy định về an toàn giao thông được quy định theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT như sau:
(1) Biển báo P.112 “Cấm người đi bộ”:
Biển báo cấm người đi bộ thuộc nhóm biển báo cấm, biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt.
(2) Biển báo W.224 “Đường người đi bộ cắt ngang”
Biển báo Đường người đi bộ cắt ngang thuộc nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo, được dùng để báo cho người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng biết trước tính chất của sự nguy hiểm hoặc các điều cần chú ý phòng ngừa trên tuyến đường.
Khi gặp biển báo nguy hiểm và cảnh báo, người tham gia giao thông nói chung và người đi bộ nói riêng phải giảm tốc độ đến mức cần thiết, chú ý quan sát và chuẩn bị sẵn sàng xử lý những tình huống có thể xẩy ra để phòng ngừa tai nạn.
(3) Biển báo R.305 “Đường dành cho người đi bộ”
Biển báo Đường dành cho người đi bộ thuộc nhóm biển báo hiệu lệnh, chủ yếu có quy cách hình tròn, hình chữ nhật màu xanh, hình vẽ màu trắng. Khi hết hiệu lệnh thường sử dụng vạch chéo màu đỏ kẻ từ trên xuống và từ phải qua trái đè lên hình màu trắng.
(4) Biển báo I.423 (a,b) “Vị trí người đi bộ sang ngang”
Biển báo Vị trí người đi bộ sang ngang thuộc nhóm biển chỉ dẫn trên các đường ô tô không phải là đường cao tốc, để chỉ dẫn người đi bộ và người tham gia giao thông biết vị trí dành cho người đi bộ sang ngang.
(5) Biển báo I.423c “Điểm bắt đầu đường đi bộ”
Biển báo Điểm bắt đầu đường đi bộ thuộc nhóm biển chỉ dẫn trên các đường ô tô không phải là đường cao tốc, để chỉ dẫn cho người đi bộ và người lái xe biết nơi bắt đầu đoạn đường dành cho người đi bộ, đặt biển số I.423c "Điểm bắt đầu đoạn đường đi bộ". Biển này không dùng cho các vị trí đi bộ cắt ngang qua đường.
(6) Biển báo I.424 (a,b) “Cầu vượt qua đường cho người đi bộ”
Biển báo Cầu vượt qua đường cho người đi bộ thuộc nhóm biển chỉ dẫn trên các đường ô tô không phải là đường cao tốc, để chỉ dẫn cho người đi bộ sử dụng cầu vượt qua đường, tùy hướng thực tế của người đi bộ qua đường mà sử dụng biển số I.424a hoặc biển số I.424b cho phù hợp.
(7) Biển báo I.424 (c,d) “Hầm chui qua đường cho người đi bộ”
Biển báo Hầm chui qua đường cho người đi bộ thuộc nhóm biển chỉ dẫn trên các đường ô tô không phải là đường cao tốc, để chỉ dẫn cho người đi bộ sử dụng hầm chui qua đường, tùy hướng thực tế của người đi bộ qua hầm mà sử dụng biển số I.424c hoặc I.424d cho phù hợp.
Quy định dành cho người đi bộ khi tham gia giao thông như thế nào?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về người đi bộ như sau:
- Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
- Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
- Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
- Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
- Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 02 hình thức công khai mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh dạy thêm ngoài nhà trường từ 14/02/2025?
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Những lưu ý khi treo cờ ngày Tết Âm lịch 2025 mà người dân cần biết?
- Huân chương Lao động có mấy hạng? Mức tiền thưởng Huân chương Lao động hiện nay là bao nhiêu?
- Hoa Mai vàng có bao nhiêu cánh? Mục tiêu cụ thể của đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam đến năm 2030 là gì?