Hành vi tảo hôn vi phạm điều nào của Luật hôn nhân và gia đình?

Cho tôi hỏi hành vi tảo hôn vi phạm điều nào của Luật hôn nhân và gia đình? Mong được giải đáp thắc mắc!

Tảo hôn là gì? Hành vi tảo hôn vi phạm điều nào của Luật hôn nhân và gia đình?

Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 giải thích về tảo hôn như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
8. Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.
...

Tại điểm a khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
...

Đồng thời tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
...

Theo đó, hành vi tảo hôn là việc 02 bên nam nữ kết hôn với nhau khi có 01 trong 03 yếu tố sau:

- Người nam chưa đủ tuổi kết hôn là 20 tuổi;

- Người nữ chưa đủ tuổi kết hôn là 18 tuổi;

- Cả 02 đều chưa đủ tuổi kết hôn.

Ngoài ra, hành vi tảo hôn vi phạm điều cấm về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

Như vậy, hành vi tảo hôn đã vi phạm Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn.

Hành vi tảo hôn vi phạm điều nào của Luật hôn nhân và gia đình?

Hành vi tảo hôn vi phạm điều nào của Luật hôn nhân và gia đình? (hình từ Internet)

Hậu quả pháp lý của hành vi tảo hôn là gì?

Căn cứ theo khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 giải thích về kết hôn trái pháp luật như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
6. Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
...

Theo đó, hành vi tảo hôn chính là hành vi kết hôn trái pháp luật.

Tại Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về xử lý việc kết hôn trái pháp luật như sau:

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật
1. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự.
2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.
3. Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
4. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.

Căn cứ theo Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau:

Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật
1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

Căn cứ theo Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

Hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Theo đó, đối với hành vi tảo hôn sẽ có những hậu quả pháp lý như sau:

- Bị hủy việc kết hôn trái pháp luật, lúc này 02 bên kết hôn sẽ chấm dứt quan hệ vợ chồng, quyền tài sản và quyền với con cái sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình;

- Bị phạt hành chính với hành vi tương ứng.

Ai sẽ có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật đối với tảo hôn?

Căn cứ theo Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau:

Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Theo đó, người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật đối với tảo hôn là người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn có thể tự mình yêu cầu hoặc đề nghị các chủ thể sau yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật:

- Cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác;

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

- Hội liên hiệp phụ nữ.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chu Tường Vy
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào