Nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi là gì? Dự án nào phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi?
Nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được bổ sung bởi điểm đ, điểm h khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020; sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu hình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và tính hiệu quả của việc đầu tư xây dựng, làm cơ sở quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.
2. Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế cơ sở được lựa chọn, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.
.....
Thông qua quy định trên, trên thực tế, việc nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi được thực hiện trong lĩnh vực đầu tư xây dựng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, việc nghiên cứu tiền khả thi là công tác nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và tính hiệu quả của việc đầu tư xây dựng, và xây dựng cơ sở để quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.
Nghiên cứu khả thi là việc nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế cơ sở được lựa chọn, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.
Nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi là gì? Dự án nào phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi? (Hình từ Internet)
Dự án nào phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi?
Theo quy định tại Điều 52 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về lập dự án đầu tư xây dựng
Lập dự án đầu tư xây dựng
1. Khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định như sau:
a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
b) Đối với dự án không thuộc quy định tại điểm a khoản này, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định;
c) Trình tự lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
.....
Theo đó, việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bắt buộc phải được lập trước khi Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án như sau:
- Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công.
- Dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
- Dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư 2020.
Riêng đối với dự án còn lại, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng sẽ phụ thuộc vào người quyết định đầu tư quyết định.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng 2014 được bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm những nội dung như sau:
[1] Sự cần thiết đầu tư và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng.
[2] Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng.
[3] Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên.
[4] Phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp.
[5] Dự kiến thời gian thực hiện dự án.
[6] Sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có); xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động của dự án.
[7] Đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.