Thứ tự tạm giữ giấy tờ xe của người vi phạm giao thông từ ngày 15/9/2023?
Thứ tự tạm giữ giấy tờ xe của người vi phạm giao thông từ ngày 15/9/2023?
Tại điểm d khoản 2 Điều 21 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về thứ tự tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông như sau:
Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính
...
2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề
...
d) Trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì cán bộ Cảnh sát giao thông tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự (trừ khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan): Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe) hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định) hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt;
Như vậy, từ ngày 15/9/2023, thứ tự tạm giữ giấy tờ xe của người vi phạm giao thông được xác định như sau:
- Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính)
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (xe phải kiểm định)
- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt.
Lưu ý: Nếu chỉ áp dụng hình thức phạt tiền thì cán bộ Cảnh sát giao thông tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự trên. Tuy nhiên khi các giấy tờ đó có dấu hiệu nghi giả, cần xác minh để làm rõ hành vi vi phạm thì cán bộ Cảnh sát giao thông được giữ thêm giấy tờ khác có liên quan.
Thứ tự tạm giữ giấy tờ xe của người vi phạm giao thông từ ngày 15/9/2023? (Hình từ Internet)
Trường hợp người vi phạm giao thông không ký, điểm chỉ vào biên bản thì chỉ cần tối thiểu bao nhiêu người chứng kiến để ký xác nhận?
Tại khoản 2 Điều 20 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát như sau:
Xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát
Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:
...
2. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản
...
c) Trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm thì Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc ít nhất 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận vụ việc và phải báo cáo thủ trưởng đơn vị bằng văn bản để làm cơ sở cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử phạt;
...
Như vậy, nếu người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản thì chỉ cần tối thiểu 01 người chứng kiến ký vào biên bản xác nhận việc người vi phạm không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc chỉ cần mời đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm ký xác nhận.
Nếu không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì cán bộ Cảnh sát giao thông phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ được áp dụng khi nào?
Tại Điều 22 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ như sau:
Niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ
Việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.
Tại khoản 5a Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được bổ sung bởi khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có quy định về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính như sau:
Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
1. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 của Luật này;
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này.
...
5a. Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây:
a) Động vật, thực vật sống;
b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật.
...
Như vậy, việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ được áp dụng khi:
- Xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
- Ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Lưu ý: Việc niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ không áp dụng đối với:
- Động vật, thực vật sống;
- Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản.
Lưu ý: Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực từ 15/9/2023.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?