Người tham gia nghĩa vụ quân sự được về sớm trước 24 tháng khi nào?
Người tham gia nghĩa vụ quân sự được về sớm trước 24 tháng khi nào?
Căn cứ theo Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định như sau:
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
1. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
a) Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
b) Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
3. Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Ngoài ra căn cứ theo khoản 2 Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về điều kiện xuất ngũ như sau:
Điều kiện xuất ngũ
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ đã hết thời hạn phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Luật này thì được xuất ngũ.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1; các điểm a, b và c khoản 2 Điều 41 của Luật này.
Thông qua các quy định trên, về nguyên tắc, thời gian đi nghĩa vụ quân sự trong thời bình là 24 tháng, trừ trường hợp kéo dài thời hạn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc đi nghĩa vụ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Theo đó, người tham gia nghĩa vụ quân sự được về sớm trước 24 tháng nếu thuộc các trường hợp dưới đây:
- Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ.
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một.
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
*Lưu ý: Trường hợp đi nghĩa vụ được về sớm 24 tháng được áp dụng đối với đi nghĩa vụ quân sự trong thời bình và không thuộc các trường hợp:
- Kéo dài thời gian đi nghĩa vụ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng không quá 06 tháng.
- Đi nghĩa vụ quân sự trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Người tham gia nghĩa vụ quân sự được về sớm trước 24 tháng khi nào? (Hình từ Internet)
Người nào không được đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự?
Theo quy định tại Điều 13 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, người không được đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự bao gồm các trường hợp như sau:
- Công dân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích.
- Công dân đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Công dân bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Tuy nhiên, hết thời hạn áp dụng các biện pháp trên, công dân được đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự.
Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký nghĩa vụ quân sự?
Căn cứ theo Điều 15 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau:
Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự
1. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân cư trú tại địa phương.
2. Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi cơ quan, tổ chức đặt trụ sở; trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định như sau:
- Đối với công dân cư trú tại địa phương: Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có thẩm quyền đăng ký.
- Đối với công dân làm việc, học tập tại cơ quan, tổ chức và tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương: Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở có thẩm quyền thực hiện đăng ký
Nếu cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Nguyên tắc lập quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì?
- 24 tiết khí của 4 mùa trong năm 2025? Làm việc vào ngày lễ, tết 2025 được trả lương thế nào?
- 12/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương? 12 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Mẫu thư gửi chú bộ đội ở đảo xa nhân ngày 22/12 năm 2024?
- Các yếu tố cấu thành tội môi giới mại dâm theo pháp luật Hình sự?