Trường hợp nào được loại trừ trách nhiệm hình sự?
Trường hợp nào được loại trừ trách nhiệm hình sự?
Loại trừ trách nhiệm hình sự là trường hợp một người có hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội, nhưng khi xét về hoàn cảnh thực hiện thì pháp luật không xem đó là hành vi phạm tội và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên. cụ thể như sau:
Trường hợp sự kiện bất ngờ theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp tình thế cấp thiết theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội theo quy định tại Điều 24 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Hình sự 2015.
Trường hợp thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, theo quy định trên thì có 07 trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Trường hợp nào được loại trừ trách nhiệm hình sự? (Hình từ Internet)
Người phạm tội trên 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự dựa vào căn cứ nào?
Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 và một số cụm bị thay thế bởi điểm a khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về người phạm tội trên 18 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự dựa vào căn cứ cụ thể:
- Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Khi có quyết định đại xá.
- Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
+ Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
- Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Áp dụng biện pháp khiển trách trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự cho đối tượng nào?
Căn cứ theo Điều 93 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về khiển trách cụ thể như sau:
Khiển trách
1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;
b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.
3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;
b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;
c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.
Như vậy, việc áp dụng biện pháp khiển trách trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự sẽ áp dụng cho đối tượng dưới 18 tuổi sau đây:
- Khiển trách người dưới 18 tuổi nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả của họ:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng tại điểm a khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015.
+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
- Cơ quan điều tra có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp khiển trách phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi phạm tổi.
- Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc.
+ Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
+ Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
Lưu ý: Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ từ 03 tháng đến 01 năm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?