Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế?

Cho tôi hỏi Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế? (Câu hỏi của chị Hoa - Phú Thọ)

Thế nào là bệnh tiêu chảy do vi khuẩn? Nguyên nhân gây bệnh?

Theo quy định Mục 1 Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm được ban hành kèm theo Quyết định 5642/QĐ-BYT năm 2015.

Tiêu chảy do vi khuẩn là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, liên quan mật thiết đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Biểu hiện lâm sàng chung thường thấy là: sốt, nôn, đau bụng, và tiêu chảy nhiều lần.

Tiêu chảy do vi khuẩn là bệnh phổ biến khắp thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển, liên quan đến điều kiện vệ sinh môi trường, thức ăn. Trường hợp tiêu chảy nặng có thể gây mất nước hoặc nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân dẫn tới tử vong do, đặc biệt ở trẻ em và người già.

Nguyên nhân gây tiêu chảy là do:

- Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: Vibrio cholerae, E. coli, tụ cầu.

- Tiêu chảy do bản thân vi khuẩn (tiêu chảy xâm nhập): Shigella, Salmonella, E. coli, Campylobacter, Yersinia, Clostridium difficile…

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế?

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế? (Hình từ Internet)

Hướng dẫn chẩn đoán bệnh tiêu chảy do vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế?

Căn cứ theo Tiểu mục 3.1 Mục 3 Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm được ban hành kèm theo Quyết định 5642/QĐ-BYT năm 2015. Việc chẩn đoán bệnh tiêu chảy do vi khuẩn được thực hiện như sau:

Giai đoạn 1: Lâm sàng

Biểu hiện đa dạng tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh.

(1) Nôn và buồn nôn.

(2) Tiêu chảy nhiều lần, tính chất phân phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh:

- Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn: phân có nhiều nước, không có bạch cầu hoặc hồng cầu trong phân.

- Tiêu chảy do vi khuẩn xâm nhập: phân thường có nhầy, đôi khi có máu.

(3) Biểu hiện toàn thân:

- Có thể sốt hoặc không sốt.

- Tình trạng nhiễm độc: mệt mỏi, nhức đầu, có thể có hạ huyết áp.

- Tình trạng mất nước.

Các mức độ mất nước:

Giai đoạn 2: Lâm sàng một số tiêu chảy thường gặp

(1) Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn: hội chứng lỵ: sốt cao, đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng lẫn nhày máu.

(2) Tiêu chảy do tả: khởi phát rất nhanh trong vòng 24 giờ, tiêu chảy dữ dội và liên tục 20-50 lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo. Không sốt, không mót rặn, không đau quặn bụng.

(3) Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: thời gian ủ bệnh ngắn 1-6 giờ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhiều nước nhưng không sốt.

(4) Tiêu chảy do E.coli.

- Tiêu chảy do E.coli sinh đôc tố ruột (ETEC): đi ngoài phân lỏng không nhày máu, không sốt. Bệnh thường tự khỏi.

- Tiêu chảy do E.coli (EIEC, EPEC, EHEC): sốt, đau quặn bụng, mót rặn, phân lỏng có thể lẫn nhày máu (giống hội chứng lỵ).

(5) Tiêu chảy do Salmonella: tiêu chảy, sốt cao, nôn và đau bụng.

Giai đoạn 3: Xét nghiệm

(1) Công thức máu: số lượng bạch cầu tăng hay giảm tùy thuộc từng loại căn nguyên.

(2) Xét nghiệm sinh hóa máu: có thể có rối loạn điện giải, suy thận kèm theo.

(3) Xét nghiệm phân:

- Soi phân: tìm xem có hồng cầu, bạch cầu, các đơn bào ký sinh, nấm, trứng ký sinh trùng...

- Cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh.

Giai đoạn 4: Chẩn đoán xác định

- Dịch tễ: nguồn lây (thức ăn, nước uống).

- Lâm sàng: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt.

- Xét nghiệm: cấy phân tìm vi khuẩn gây bệnh.

Giai đoạn 5: Chẩn đoán phân biệt

- Ngộ độc hóa chất.

- Tiêu chảy do virus, do ký sinh trùng.

- Bệnh lý đại tràng khác: viêm đại tràng mạn, ung thư đại tràng..

Hướng dẫn điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế?

Theo quy định tại Mục 4 Bệnh tiêu chảy do vi khuẩn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm được ban hành kèm theo Quyết định 5642/QĐ-BYT năm 2015. Thực hiện điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn được hướng dẫn như sau:

Thứ nhất: Nguyên tắc

- Đánh giá tình trạng mất nước và bồi phụ nước điện giải.

- Điều trị kháng sinh tùy căn nguyên. Cần dự đoán căn nguyên và điều trị ngay. Điều chỉnh lại kháng sinh nếu cần sau khi có kết quả cấy phân.

- Điều trị triệu chứng.

Thứ hai: Điều trị cụ thể

(1) Sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm: trong trường hợp chưa có kết quả vi sinh, cần cân nhắc dùng kháng sinh trong những trường hợp sau:

- Cơ địa: suy giảm miễn dịch, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

- Toàn trạng: người bệnh có sốt, tình trạng nhiễm trùng.

- Phân: nhày máu, mũi.

- Xét nghiệm:

+ Công thức máu có bạch cầu và/hoặc bạch cầu trung tính tăng.

+ Soi phân trực tiếp có hồng cầu, bạch cầu hoặc nghi ngờ có phẩy khuẩn tả.

(2) Sử dụng kháng sinh trong tiêu chảy nhiễm khuẩn do một số căn nguyên thường gặp

- Kháng sinh thường hiệu quả trong trường hợp tiêu chảy xâm nhập.

- Thường dùng kháng sinh đường uống. Kháng sinh đường truyền chỉ dùng trong trường hợp nặng có nhiễm khuẩn toàn thân.

- Liều dùng kháng sinh ở đây chủ yếu áp dụng cho người lớn. Đối với trẻ em, tham khảo thêm “ Hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em” . Bộ Y tế 2009.

a. Tiêu chảy do E.coli (ETEC, EHEC), Campylobacter, Yersinia, Salmonella, Vibrio sp.

Thuốc ưu tiên: kháng sinh nhóm Quinolon (uống hoặc truyền) x 5 ngày

- Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.

- Quinolon khác: Levofloxacin 0,5 g x 1 lần/ngày (lưu ý không lạm dụng).

Thuốc thay thế: ceftriaxon (TM)50-100 mg/kg/ngày x 5 ngày.

hoặc: azithromycin 0,5 g/ngày x5 ngày.

hoặc: doxycyclin 100 mg x2/ngày x 5 ngày.

b. Tiêu chảy do Clostridium difficile

Metronidazol 250 mg (uống) mỗi 6h x7-10 ngày.

Hoặc:

Vancomycin 250mg (uống) mỗi 6h x 7-10 ngày.

c. Tiêu chảy do Shigella (lỵ trực khuẩn)

Thuốc ưu tiên: Quinolon (uống hoặc truyền) x 5 ngày.

- Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.

- Levofloxacin 0,5 g x 1 lần/ngày.

Thuốc thay thế: Ceftriaxon (TM) 50-100 mg/kg/ngày x 5 ngày.

Hoặc azithromycin 0,5 g/ngày x 3 ngày.

d. Tiêu chảy do thương hàn (Salmonella typhi, S. paratyphi)

Thuốc ưu tiên: Quinolon (uống hoặc truyền) x 10-14 ngày.

- Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.

Thuốc thay thế: ceftriaxon (TM)50-100 mg/kg/ngày x 10-14 ngày.

e. Tiêu chảy do vi khuẩn tả (Vibrio cholera)

Hiện nay, vi khuẩn tả đã kháng lại các kháng sinh thông thường, thuốc được lựa chọn hiện nay là:

- Nhóm Quinolon (uống ) x 3 ngày.

Ciprofloxacin 0,5 g x 2 lần/ngày.

Norfloxacin 0,4 g x 2 lần/ngày.

- Azithromycin 10 mg/kg/ngày x 3 ngày.

(Dùng cho trẻ em < 12 tuổi và phụ nữ có thai).

Thuốc thay thế:

- Erythromycin 1 g/ngày uống chia 4 lần/ngày (trẻ em 40 mg/kg/ngày), dùng trong 3 ngày; hoặc

- Doxycyclin 200 mg/ngày x 3 ngày (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).

(3) Điều trị triệu chứng

a. Đánh giá và xử trí tình trạng mất nước

Phải đánh giá ngay và kịp thời xử trí tình trạng mất nước khi người bệnh đến viện và song song với việc tìm căn nguyên gây bệnh.

- Người bệnh mất nước độ I, uống được: bù dịch bằng đường uống, dùng dung dịch ORESOL.

- Người bệnh mất nước từ độ II trở lên, không uống được: bù dịch bằng đường tĩnh mạch. Dung dịch được lựa chọn: Ringer lactat. Ngoài ra: NaCl 0,9%, Glucose 5% với tỷ lệ 1:1.

b. Điều trị hỗ trợ

- Giảm co thắt: spasmaverin.

- Làm săn niêm mạc ruột: smecta.

- Không lạm dụng các thuốc cầm tiêu chảy như loperamide.

Trân trọng!

Điều trị bệnh
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Điều trị bệnh
Hỏi đáp Pháp luật
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Điều trị bệnh
Dương Thanh Trúc
22,859 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Điều trị bệnh
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào