Căn cứ để xác định nạn nhân bị mua bán người và các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán người?
Căn cứ để xác định nạn nhân bị mua bán người?
Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP quy định về căn cứ để xác định nạn nhân như sau:
Một người được xác định là nạn nhân khi họ là đối tượng của một trong những hành vi sau đây:
- Mua bán người: Coi người như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác;
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để:
+ Ép buộc bán dâm;
+ Ép buộc làm đối tượng sản xuất băng, đĩa hình, sách, tranh, ảnh, lịch và những hình thức khác có nội dung tuyên truyền lối sống đồi trụy, khiêu dâm;
+ Ép buộc biểu diễn cho người khác xem thân thế mình với mục đích kích động tình dục;
+ Làm nô lệ tình dục;
+ Cưỡng bức lao động;
+ Lấy các bộ phận cơ thể một cách bất hợp pháp;
+ Ép buộc đi ăn xin;
+ Ép buộc làm vợ hoặc chồng;
+ Ép buộc đẻ con trái ý muốn của họ;
+ Ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
+ Vì mục đích vô nhân đạo khác.
- Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để thực hiện các hành vi nêu trên hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Việc xác định nạn nhân phải dựa vào các nguồn tài liệu, chứng cứ sau:
- Tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp;
- Thông tin, tài liệu do cơ quan giải cứu nạn nhân cung cấp;
- Thông tin, tài liệu do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp;
- Tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cung cấp;
- Lời khai, tài liệu do nạn nhân cung cấp;
- Lời khai, tài liệu do người thực hiện hành vi mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận người vì mục đích vô nhân đạo; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để thực hiện các hành vi vô nhân đạo cung cấp;
- Lời khai, tài liệu do những người biết sự việc cung cấp;
- Các thông tin, tài liệu hợp pháp khác.
Trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được một người có phải là nạn nhân hay không, sau khi xác minh lý lịch, thời gian vắng mặt khỏi địa phương nơi họ cư trú, lý do vắng mặt phù hợp với lời khai của họ về việc là đối tượng của một trong những hành vi nêu trên thì xem xét các căn cứ sau để xác nhận họ là nạn nhân:
- Người đó được phát hiện, giải cứu cùng với nạn nhân khác;
- Người đó đã có thời gian chung sống cùng với nạn nhân tại nơi các đối tượng thực hiện hành vi vô nhân đạo giam giữ, quản lý và bị đối xử như những nạn nhân này;
- Biểu hiện về thể chất và tinh thần: Có dấu hiệu bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, bị đối xử tàn tệ, bị thương tích, sợ hãi, hoảng loạn, trầm cảm, ốm yếu;
- Thời gian người đó rời khỏi địa phương nơi cư trú thì thân nhân của họ trình báo cơ quan chức năng về việc họ bị mất tích hoặc là đối tượng của một trong những hành vi mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận người vì mục đích vô nhân đạo; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để thực hiện các hành vi vô nhân đạo;
- Những thông tin hợp pháp khác giúp có cơ sở để tin rằng người đó là nạn nhân.
Căn cứ để xác định nạn nhân bị mua bán người và các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán người? (Hình từ Internet)
Các biện pháp được áp dụng để bảo bệ nạn nhân bị mua bán người gồm có những gì?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 62/2012/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ như sau:
- Giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ.
- Giữ bí mật các thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người được bảo vệ.
- Bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác.
- Hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ.
- Bố trí nơi tạm lánh cho người được bảo vệ.
- Bố trí nơi ở, nơi làm việc, học tập mới cho người được bảo vệ.
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
- Xét xử kín.
Lưu ý: Cơ quan có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân bị mua bán có thể áp dụng 01 hoặc nhiều biện pháp cùng một lúc để bảo vệ nạn nhân tùy theo tình hình thực tế cụ thể.
Các giấy tờ dùng để xác định nhạn nhân bị mua bán người là gì?
Căn cứ theo Điều 28 Luật Phòng, chống mua bán người 2011 quy định về giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân như sau:
Giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân
1. Giấy xác nhận của cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật này.
2. Giấy xác nhận của cơ quan giải cứu theo quy định tại Điều 25 của Luật này.
3. Giấy xác nhận của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.
4. Giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.
Theo đó, các giấy tờ nhằm xác định một người là nạn nhân bị mua bán gồm có:
- Giấy xác nhận nạn nhân của cơ quan Công an cấp huyện khi tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước;
- Giấy xác nhận nạn nhân của cơ quan giải cứu;
- Giấy xác nhận của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân;
- Giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự chứng minh người đó là nạn nhân.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?