Kinh doanh karaoke quá giờ bị xử phạt như thế nào?
Kinh doanh karaoke quá giờ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 38/2021/NĐ-CP một số cụm từ này bị bãi bỏ bởi điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị định 128/2022/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường như sau:
Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không mặc trang phục hoặc không đeo biển tên do người sử dụng lao động cung cấp.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp trang phục hoặc không cung cấp biển tên cho người lao động.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không nộp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường khi có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi;
b) Kinh doanh dịch vụ karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày;
c) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Như vậy, đối với việc kinh doanh karaoke quá giờ cụ thể là sau 24 giờ mà vẫn còn hoạt động thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Lưu ý: Mức phạt như trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức có cùng hành vi sẽ gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP).
Kinh doanh karaoke quá giờ bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của doanh nghiệp khi kinh doanh karaoke như thế nào?
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 54/2019/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke như sau:
Trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke
Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 6 Nghị định này, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh có trách nhiệm:
1. Bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
2. Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
Như vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp khi kinh doanh karaoke bao gồm cả Điều 6 Nghị định 54/2019/NĐ-CP, cụ thể:
- Chấp hành pháp luật lao động với người lào động theo quy định của pháp luật. Cung cấp trang phục, biển tên cho người lao động.
- Bảo đảm đủ điều kiện cách âm và âm thanh thoát ra ngoài phòng hát hoặc phòng vũ trường phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
- Tuân thủ quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; bản quyền tác giả; hợp đồng lao động; an toàn lao động; bảo hiểm; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
- Bảo đảm hình ảnh phù hợp lời bài hát thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) và văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
- Không được hoạt động từ 0 giờ sáng đến 08 giờ sáng.
Kinh doanh karaoke có phải đảm bảo an ninh trật tự cho cộng đồng không?
Đầu tiên, tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về an ninh trật tự là cách viết gọn của cụm từ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự là những ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh có yếu tố phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự dễ bị lợi dụng để hoạt động phạm tội và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Dẫn chiếu đến khoản 21 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý như sau:
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý
...
21. Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường:
a) Kinh doanh dịch vụ karaoke, gồm: Các hoạt động ca hát theo đĩa ghi nhạc và hình hoặc bằng các công nghệ ghi nhạc và hình khác;
b) Kinh doanh dịch vụ vũ trường, gồm: Hoạt động khiêu vũ tại cơ sở kinh doanh khiêu vũ theo quy định của pháp luật.
Hoạt động dạy khiêu vũ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
...
Như vậy, việc kinh doanh karaoke là một trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên việc đảm bảo an ninh trật tự cho cộng đồng là điều bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Thời gian sử dụng điện trong ngày được phân loại theo giờ như thế nào?
- AFTA là tên viết tắt của tổ chức nào? Việt Nam tham gia AFTA vào năm nào?
- 05 bước làm sạch dữ liệu để cấp định danh tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp HTX 2024?
- 01 năm bao nhiêu cái Tết? Tết Nguyên đán có phải là Tết lớn nhất của người Việt không?