Trình tự thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2 như thế nào?

Cho tôi hỏi trình tự thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2 được quy định như thế nào? Câu hỏi từ anh Tuyên (Bắc Giang)

Phương tiện đo lường nhóm 2 là gì?

Căn cứ khoản 3 Điều 3 Thông tư 23/2013/TT-BKHCN sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BKHCN định nghĩa về phương tiện đo lường nhóm 2:

Giải thích từ ngữ
...
3. Phương tiện đo nhóm 2 là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam;
4. Phê duyệt mẫu là biện pháp kiểm soát về đo lường do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện để đánh giá, xác nhận mẫu phương tiện đo hoặc mẫu của loại (type) phương tiện đo (sau đây viết chung là mẫu) phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường;
...

Như vậy, phương tiện đo lường nhóm 2 là phương tiện đo được sử dụng để định lượng hàng hoá, dịch vụ trong mua bán, thanh toán.

Phương tiện đo lường nhóm 2 nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam.

Trình tự thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2?

Trình tự thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2? (Hình từ Internet)

Yêu cầu đối với việc phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2 được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định yêu cầu đối với việc phê duyệt mẫu như sau:

- Việc phê duyệt mẫu bao gồm: đăng ký phê duyệt mẫu; thử nghiệm, đánh giá mẫu; quyết định phê duyệt mẫu.

- Thử nghiệm mẫu phải do tổ chức thử nghiệm thuộc Danh mục các tổ chức thử nghiệm được Tổng cục chỉ định thực hiện.

- Danh mục các tổ chức thử nghiệm được chỉ định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

- Mẫu phải có cấu trúc, tính năng kỹ thuật bảo đảm ngăn ngừa tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường chính trong quá trình sử dụng; phải được thử nghiệm, đánh giá và kết luận là phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.

- Cơ sở sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo được phê duyệt mẫu phải có biện pháp bảo đảm phương tiện đo lường được sản xuất hoặc nhập khẩu phù hợp với mẫu đã phê duyệt.

Hồ sơ phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2 gồm những gì?

Tại Điều 7 Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2 gồm:

- Bản đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo lường.

- Bộ tài liệu kỹ thuật của mẫu. Tài liệu phải nêu rõ:

+ Nguyên lý hoạt động, sơ đồ nguyên lý cấu trúc, hướng dẫn sử dụng;

+ Các kết cấu quan trọng ảnh hưởng tới đặc tính kỹ thuật đo lường chính của mẫu;

+ Vị trí các cơ cấu đặt và điều chỉnh thông số kỹ thuật đo lường chính của mẫu;

+ Vị trí để dán tem, đóng dấu kiểm định, niêm phong và các đặc điểm khác nếu có trên mẫu;

+ Vị trí cơ cấu hoặc tính năng kỹ thuật thực hiện ngăn ngừa tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường chính của mẫu trong sử dụng (tiếng Việt hoặc tiếng Anh hoặc cả 2 thứ tiếng).

- Bộ ảnh màu của mẫu và đĩa CD chứa bộ ảnh này. Bộ ảnh gồm:

+ Một (01) ảnh tổng thể của mẫu;

+ Các ảnh mặt trước (mặt thể hiện kết quả đo), mặt sau, mặt trên, mặt dưới (nếu có), bên phải, bên trái của mẫu;

+ Các ảnh chụp riêng thể hiện thông tin về ký mã hiệu, kiểu và đặc trưng đặc tính kỹ thuật đo lường chính của mẫu;

+ Bảng mạch điện tử (nếu có), các phím vận hành;

+ Vị trí nhãn hàng hóa của mẫu, vị trí dán tem, dấu kiểm định;

+ Các vị trí niêm phong trên mẫu;

+ Các bộ phận khác có ảnh hưởng trực tiếp tới các đặc tính kỹ thuật đo lường chính của mẫu.

Các ảnh phải cùng kích cỡ tối thiểu 100 mm x 150 mm nhưng không lớn hơn 210 mm x 297 mm, được gắn hoặc in mẫu trên giấy khổ A4 đóng thành tập.

Ảnh chụp phải rõ ràng, chính xác thông tin về đặc tính kỹ thuật đo lường chính của mẫu và bảo đảm yêu cầu so sánh, đối chiếu, kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo được sản xuất hoặc nhập khẩu so với mẫu đã phê duyệt.

- Bản cam kết về chương trình phần mềm của phương tiện đo lường.

- Bộ hồ sơ kết quả thử nghiệm, đánh giá mẫu theo quy định.

Trường hợp cơ sở có đề nghị miễn, giảm thử nghiệm mẫu trong đăng ký phê duyệt mẫu phương tiện đo, bộ hồ sơ gồm các tài liệu liên quan đến việc miễn, giảm thử nghiệm theo quy định.

- Danh mục tài liệu về việc xây dựng và áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật để bảo đảm phương tiện đo lường được sản xuất hoặc nhập khẩu phù hợp với mẫu đã phê duyệt.

Trình tự thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2?

Căn cứ Chương 3 Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định trình tự thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2 như sau:

Bước 1: Cơ sở lập 01 bộ hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu và gửi trực tiếp tại trụ sở hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục

Bước 2: Xử lý hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu

- Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho cơ sở những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

- Trường hợp trong hồ sơ có đề nghị miễn, giảm thử nghiệm mẫu nhưng không đủ căn cứ được miễn, giảm, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho cơ sở về việc phải thử nghiệm mẫu và/hoặc bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu.

- Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tổng cục, nếu cơ sở chưa đủ hồ sơ để bổ sung, cơ sở phải có văn bản gửi Tổng cục nêu rõ lý do và thời hạn hoàn thành.

Việc xử lý hồ sơ chỉ được tiếp tục thực hiện sau khi hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định phê duyệt mẫu theo quy định

Quyết định phê duyệt mẫu có các nội dung chủ yếu sau:

- Tên, địa chỉ trụ sở chính của cơ sở;

- Tên hãng sản xuất, nước sản xuất (đối với mẫu nhập khẩu);

- Ký hiệu, kiểu của mẫu;

- Đặc tính kỹ thuật đo lường chính của mẫu;

- Ký hiệu phê duyệt mẫu;

- Thời hạn hiệu lực.

+ Thời hạn hiệu lực của quyết định phê duyệt mẫu, quyết định gia hạn là 10 năm kể từ ngày ký;

+ Thời hạn hiệu lực của quyết định điều chỉnh lấy theo quyết định phê duyệt đã cấp gần nhất trước đó.

Quyết định phê duyệt mẫu được gửi cho cơ sở, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương nơi cơ sở đăng ký trụ sở chính.

Quyết định và hình ảnh của mẫu đã phê duyệt được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.

Bước 4: Lưu giữ hồ sơ của mẫu đã được phê duyệt

- Bộ hồ sơ của mẫu đã được phê duyệt gồm: Quyết định phê duyệt mẫu, hồ sơ đăng ký phê duyệt mẫu và hồ sơ kết quả thử nghiệm, đánh giá mẫu.

- 01 bộ hồ sơ được lưu giữ tại Tổng cục. Cơ sở chịu trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ của mẫu đã được phê duyệt và lưu giữ tại cơ sở.

- Thời hạn lưu giữ là năm 05 năm sau khi các quyết định phê duyệt mẫu, quyết định điều chỉnh, quyết định gia hạn hết hiệu lực.

Trân trọng!

Phương tiện đo lường
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Phương tiện đo lường
Hỏi đáp Pháp luật
Trình tự thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo lường nhóm 2 như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Phương tiện đo lường
Phan Vũ Hiền Mai
11,402 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Phương tiện đo lường

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Phương tiện đo lường

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào