Tự ý sửa chữa nhà ở xã hội bị phạt bao nhiêu tiền?
Hồ sơ đề nghị thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước bao gồm giấy tờ gì?
Tại Điều 53 Nghị định 99/2015/NĐ-CP có quy định về hồ sơ đề nghị thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước bao gồm giấy tờ như sau:
- Đơn đăng ký thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước;
- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng và có đủ điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập theo quy định tại Điều 52 Nghị định 99/2015/NĐ-CP;
- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê nhà ở xã hội (nếu có).
Trình tự, thủ tục thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được tiến hành như thế nào?
Tại Điều 54 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 30/2021/NĐ-CP có quy định về trình tự, thủ tục thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước nộp 01 bộ hồ sơ tại đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở hoặc tại cơ quan quản lý nhà ở nơi có nhà ở. Ngoài các giấy tờ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nộp đem nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác.
Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra và phân loại hồ sơ; nếu hồ sơ không có đủ các giấy tờ theo quy định thì phải trả lời ngay để người nộp đơn bổ sung giấy tờ.
Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà ở tiếp nhận hồ sơ thì sau khi kiểm tra và phân loại hồ sơ, đơn vị này phải có báo cáo danh sách người đủ điều kiện thuê, thuê mua nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ gửi cơ quan quản lý nhà ở xem xét, kiểm tra.
Bước 3: Trên cơ sở danh sách người đủ điều kiện thuê, thuê mua nhà ở kèm theo hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà ở trực tiếp xét duyệt hoặc thành lập Hội đồng xét duyệt hồ sơ để thực hiện xét duyệt từng hồ sơ đăng ký, xác định đối tượng đủ điều kiện hoặc chấm điểm xét chọn đối tượng ưu tiên (nếu có).
Trường hợp đủ điều kiện hoặc được ưu tiên xét duyệt thuê, thuê mua nhà ở thì cơ quan quản lý nhà ở có tờ trình kèm theo danh sách và biên bản xét duyệt hoặc biên bản chấm điểm báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định;
Trường hợp không đủ điều kiện hoặc chưa được xét duyệt thì cơ quan quản lý nhà ở có văn bản thông báo cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở để trả lời cho người nộp đơn biết.
Bước 4: Trên cơ sở báo cáo của cơ quan quản lý nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, ban hành quyết định phê duyệt danh sách người được thuê, thuê mua nhà ở.
Đồng thời sẽ gửi quyết định này cho cơ quan quản lý nhà ở để ký hợp đồng thuê mua với người được thuê mua hoặc gửi cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở để ký hợp đồng thuê nhà với người được thuê nhà ở.
Thời gian giải quyết việc cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội là không quá 30 ngày, kể từ ngày đơn vị quản lý vận hành nhà ở nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp phải xét duyệt hồ sơ, tổ chức chấm điểm thì thời hạn giải quyết là không quá 60 ngày.
Tự ý sửa chữa nhà ở xã hội bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 65 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về vấn đề xây dựng quy định như sau:
Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà ở công vụ, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội
1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với người thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thuê nhà ở xã hội có một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở;
b) Sử dụng nhà ở không đúng mục đích ghi trong hợp đồng thuê nhà ở.
2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với người thuê nhà ở công vụ có một trong các hành vi sau đây:
a) Không sử dụng nhà vào mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình và các thành viên trong gia đình trong thời gian thuê;
b) Tự ý cải tạo, sửa chữa hoặc phá dỡ nhà ở công vụ;
c) Cho thuê lại hoặc ủy quyền quản lý nhà ở công vụ;
d) Không trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu với các hành vi quy định tại điểm a khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này;
b) Buộc sử dụng nhà đúng mục đích với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này;
c) Buộc thu hồi lại nhà ở công vụ với hành vi quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều này.
Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền như sau:
Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
...
3. Trong Nghị định này, mức phạt tiền tối đa được quy định như sau:
a) Trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1.000.000.000 đồng;
b) Trong hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý, phát triển nhà là 300.000.000 đồng;
c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, người có hành vi tự ý sửa chữa nhà ở xã hội bằng cách đục phá, cơi nới, cảo tạo thì bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức có hành vi tự ý sửa chữa nhà ở xã hội sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đồng thời phải khôi phục lại tình trạng ban đầu với các hành vi tự ý sửa chữa nhà ở xã hội đó.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Ngày Nhân quyền thế giới là ngày mấy? Ngày Nhân quyền thế giới 2024 là thứ mấy?
- Khi đi đến nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện giao thông cần đi như thế nào để bảo đảm đúng quy tắc giao thông?