04 trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú?

Xin hỏi: Trường hợp nào công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú? Người có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú bị phạt bao nhiêu tiền?- Câu hỏi của anh Duy (Bình Dương).

04 trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú?

Tại Điều 4 Luật Cư trú 2020 quy định về 04 trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú bao gồm:

(1) Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam;

Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;

Người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ;

Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

(2) Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

Người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;

Người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

(3) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;

(4) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;

Địa bàn có tình trạng khẩn cấp; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định.

04 trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú?

04 trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú? (Hình từ Internet)

Người có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú bị phạt bao nhiêu tiền?

Tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:

Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi;
b) Kinh doanh lưu trú, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú không thực hiện thông báo việc lưu trú từ 04 đến 08 người lưu trú;
c) Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú;
d) Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...

Như vậy, người có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

Mức phạt trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức nếu có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú thì sẽ bị phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú được xác định là nơi nào?

Tại Điều 19 Luật Cư trú 2020 có quy định về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú như sau:

Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú
1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống, Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
2. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn việc khai báo thông tin về cư trú theo các trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
3. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan đăng ký cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
...

Như vậy, người vừa không có thường trú và vừa không có nơi tạm trú thì nơi cư trú được xác định là nơi ở hiện tại của người đó.

Nếu không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.

Trân trọng!

Quyền tự do cư trú
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Quyền tự do cư trú
Hỏi đáp Pháp luật
04 trường hợp công dân bị hạn chế quyền tự do cư trú?
Hỏi đáp Pháp luật
Người bị Covid có thuộc trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Quyền tự do cư trú
Lương Thị Tâm Như
1,426 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Quyền tự do cư trú
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào