Khi nào phải nộp thuế nhà thầu? Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định mới nhất?
Khi nào phải nộp Thuế nhà thầu?
Căn cứ Điều 1 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định đối tượng áp dụng Thuế nhà thầu như sau:
Đối tượng áp dụng
Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):
1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam.
...
Như vậy, Thuế nhà thầu được các cá nhân, tổ chức nộp trong các trường hợp sau:
- Tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.
Khi nào phải nộp thuế nhà thầu? Cách tính thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định mới nhất?(Hình từ Internet)
Những đối tượng nào không áp dụng Thuế nhà thầu?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định những đối tượng sau không áp dụng Thuế nhà thầu cụ thể bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:
+ Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài:
Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài;
Người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam.
+ Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam:
Người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam;
Người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:
+ Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị, có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;
+ Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);
+ Xúc tiến đầu tư và thương mại;
+ Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
+ Đào tạo (trừ đào tạo trực tuyến);
+ Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của Luật Viễn thông;
Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của Luật Bưu chính, các điều ước quốc tế về Bưu chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.
Cách tính thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp?
Đối tượng và điều kiện áp dụng:
Tại Điều 11 Thông tư 103/2014/TT-BTC có quy định những đối tượng và điều kiện áp dụng tính thuế nhà thầu theo phương pháp trực tiếp như sau:
Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện sau đây thì bên Việt Nam nộp thay thuế cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài:
- Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;
- Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
- Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.
Thuế Giá trị gia tăng
Căn cứ Điều 12 Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam quy định số thuế giá trị gia tăng phải nộp:
Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu.
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Tại Điều 13 Thông tư 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam:
Căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp và tỷ lệ (%) thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu tính thuế.
Số thuế TNDN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lê thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có mấy nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
- Luật Phá sản mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn?
- 7 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Tháng 2 2025 có ngày lễ nào ở Việt Nam NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?