Sinh con ra rồi bỏ rơi con bị xử lý như thế nào?
Người sinh con ra rồi bỏ rơi con bị xử phạt hành chính thế nào?
Căn cứ tại Điều 21 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em xử lý vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em cụ thể như sau:
Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật;
b) Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.
Như vậy, cha mẹ cố ý bỏ rơi con có thể bị xử phạt hành chính với số tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Sinh con ra rồi bỏ rơi con bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Người sinh con ra rồi bỏ rơi con có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ cụ thể như sau:
Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, mẹ khi đã sinh con ra rồi bỏ rơi do bị ảnh hưởng nặng nề về tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là rất nguy hiểm sẽ tước đoạt đi mạng sống của đứa trẻ, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.
Cha mẹ ruột có phải chăm sóc, nuôi dưỡng con ruột khi đã trao con làm con nuôi cho người khác?
Căn cứ tại Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi cụ thể như sau:
Hệ quả của việc nuôi con nuôi
1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.
Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.
3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.
Như vậy, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ ruột sẽ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi. trừ trường hợp giữa cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác,
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mùng 4/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương lịch? Mùng 4 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Tốc độ tối đa đối với xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ từ 1/1/2025?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của cán bộ công chức viên chức: Chốt nghỉ 09 ngày liên tiếp?
- Ở đại hội đảng viên, đảng viên đề cử đảng viên chính thức bằng hình thức nào?
- Lịch nghỉ Tết nguyên đán 2025 dài hơn 02 ngày so với năm 2024?