Giấy tờ hộ tịch giữa Việt Nam và Pháp có được miễn hợp pháp hóa lãnh sự hay không?
Cơ quan nào có thẩm quyền chứng nhận hợp pháp lãnh sự của Việt Nam?
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 111/2011/NĐ-CP quy định về các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự của Việt Nam cụ thể như dưới đây.
Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự của Việt Nam
1. Bộ Ngoại giao có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự ở trong nước.
Bộ Ngoại giao có thể ủy quyền cho cơ quan ngoại vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
2. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện) có thẩm quyền chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự ở nước ngoài.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của Việt Nam bao gồm:
- Bộ Ngoại giao.
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự.
- Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
Giấy tờ hộ tịch giữa Việt Nam và Pháp có được miễn hợp pháp hóa lãnh sự hay không? (Hình từ Internet).
Chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự ở đâu?
Tại Điều 7 Nghị định 111/2011/NĐ-CP quy định về ngôn ngữ, địa điểm chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự như:
Ngôn ngữ, địa điểm chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự
1. Ngôn ngữ sử dụng để chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự là tiếng Việt và tiếng chính thức của nước nơi giấy tờ đó được sử dụng hoặc tiếng Anh, tiếng Pháp.
2. Địa điểm chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự là trụ sở Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Qua đó, có thể chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, ngôn ngữ dùng để chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự là tiếng Việt, tiếng chính thức của nước nơi giấy tờ đó được sử dụng, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Giấy tờ hộ tịch giữa Việt Nam và Pháp có được dùng để miễn hợp pháp hóa lãnh sự không?
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 111/2011/NĐ-CP về các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự như sau:
Các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự
1. Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
2. Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
3. Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
Theo Điều 26 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự giữa Việt Nam và Pháp năm 1999 quy định về miễn hợp pháp hóa đối với các giấy tờ cụ thể như:
Miễn hợp pháp hoá
Các giấy tờ nói tại Hiệp định này được miễn hợp pháp hoá.
Tuy nhiên, trong trường hợp có nghi ngờ xác đáng về chữ ký, tư cách của người ký, hoặc về nhận dạng của con dấu hoặc con tem, thì cơ quan có thẩm quyền của Nước ký kết yêu cầu có thể đề nghị Cơ quan trung ương của Nước ký kết đã cấp giấy tờ hoặc tài liệu đó xác minh tính xác thực của giấy tờ. Chỉ được yêu cầu xác minh tính xác thực của giấy tờ trong những trường hợp đặc biệt và phải nêu rõ lý do.
Ngoài ra căn cứ vào Danh sách các nước và loại giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự được ban hành kèm theo Công văn 1872/CV-LS-PL năm 2017 hướng dẫn nội dung về giấy tờ thuộc diện miễn hợp pháp hóa lãnh sự.
Tải chi tiết Danh sách các nước và loại giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự tại đây. Tải về.
Như vậy, căn cứ vào Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự giữa Việt Nam và Pháp năm 1999 và Công hàm trao đổi giữa CLS và ĐSQ Pháp tại HN năm 2011 thì giấy tờ hộ tịch giữa Việt Nam và Pháp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự. Giấy tờ hộ tịch phải Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của hai bên cấp.
Ngoài giấy tờ hộ tịch thì các giấy tờ sau đây cũng được miễn hợp pháp lãnh giữa Việt Nam và Pháp, cụ thể như:
- Bản án, quyết định công nhận/thi hành án dân sự.
- Các giấy tờ dân sự dùng cho việc kết hôn, nuôi con nuôi, nhận cha, mẹ, con.
- Giấy tờ dùng cho việc nhận nuôi con nuôi.
- Các giấy tờ thuộc thẩm quyền của viên chức lãnh sự.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Hộ tịch có thể đặt câu hỏi tại đây.