Thủ tục khám giám định lại thương tật cho thương binh đang tại ngũ trong quân đội có vết thương đặc biệt tái phát mới nhất năm 2023?
Tiêu chuẩn thương binh mới nhất năm 2023 là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị thương có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên nằm trong điều kiện có trong tiêu chuẩn thương binh thì được xem xét công nhận là thương binh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia.
- Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp với vùng địch chiếm đóng.
- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch.
- Bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh mà để lại thương tích thực thể.
- Làm nghĩa vụ quốc tế.
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh.
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm.
- Do tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm.
- Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Thủ tục khám giám định lại thương tật cho thương binh đang tại ngũ trong quân đội có vết thương đặc biệt tái phát mới nhất năm 2023? (Hình từ Internet)
Thương binh có vết thương ở tim bị tái phát dẫn đến tình trạng phải phẫu thuật thì được khám giám định lại không?
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 40 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ban hành về điều kiện khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể như sau:
Điều kiện khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể
1. Thương binh có vết thương đặc biệt sau đây, nay bị tái phát dẫn đến các tình trạng sau thì được khám giám định lại:
a) Vết thương sọ não bị khuyết xương sọ hoặc còn mảnh kim khí trong sọ gây biến chứng dẫn đến rối loạn tâm thần hoặc liệt.
b) Vết thương thấu phổi gây biến chứng dày dính màng phổi hoặc xẹp phổi dẫn đến phải cắt phổi hoặc thùy phổi.
c) Vết thương ở tim dẫn đến phải phẫu thuật.
...
Như vậy, trường hợp thương binh có vết thương ở tim bị tái phát dẫn đến tình trạng phải phẫu thuật thì được khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Thủ tục khám giám định lại thương tật cho thương binh đang tại ngũ trong quân đội có vết thương đặc biệt tái phát mới nhất năm 2023?
Căn cứ theo Điều 41 Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định về hồ sơ, thủ tục khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với trường hợp vết thương đặc biệt tái phát và điều chỉnh chế độ cụ thể như sau:
Hồ sơ, thủ tục khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với trường hợp vết thương đặc biệt tái phát và điều chỉnh chế độ
1. Trường hợp đang tại ngũ, công tác trong quân đội, công an:
a) Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 33 Phụ lục I Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương kèm bản tóm tắt bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an), nếu đã phẫu thuật phải có thêm phiếu phẫu thuật.
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình khám giám định lại, điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp và cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 115 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị.
...
Tại Điều 8 Thông tư 55/2022/TT-BQP có hướng dẫn như sau:
Quy trình khám giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (sau đây gọi là thương binh) đang tại ngũ, công tác có vết thương đặc biệt tái phát và điều chỉnh chế độ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Nghị định
1. Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cấp trung đoàn và tương đương trở lên trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Nghị định, có trách nhiệm kiểm tra, xét duyệt; có văn bản kèm theo các giấy tờ nêu trên, đề nghị cấp trên trực tiếp giải quyết theo phân cấp (cấp sư đoàn và tương đương trong thời gian 05 ngày), gửi đến cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh.
2. Cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định, có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ lưu trữ tại cơ quan; có văn bản kèm theo các giấy tờ nêu trên và bản trích lục hồ sơ thương binh theo Mẫu số 96 Phụ lục I Nghị định (sau đây gọi là bản trích lục hồ sơ thương binh), bản sao giấy chứng nhận bị thương, bản sao biên bản của các lần giám định trước, báo cáo theo phân cấp, gửi đến Cục Chính sách.
3. Cục Chính sách trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm thẩm định và chuyển hồ sơ về Cục Chính trị quân khu (đối tượng thuộc thẩm quyền giới thiệu giám định y khoa theo quy định) hoặc cấp giấy giới thiệu (đối tượng còn lại theo quy định) đối với trường hợp đủ điều kiện, kèm theo bản sao hồ sơ đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền để giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể.
4. Cục Chính trị quân khu trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và thông báo kết quả thẩm định của Cục Chính sách, có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu đối với trường hợp đủ điều kiện, kèm theo bản sao hồ sơ đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền để giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể.
5. Hội đồng giám định y khoa các cấp trong thời gian 45 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, có trách nhiệm tổ chức khám giám định thương tật và thực hiện như quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này.
6. Tư lệnh hoặc Chính ủy quân khu (đối tượng thuộc quân khu quản lý), Cục trưởng Cục Chính sách (đối tượng của các cơ quan, đơn vị còn lại) trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được biên bản giám định y khoa, có trách nhiệm ban hành quyết định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 60 Phụ lục I Nghị định; chuyển hồ sơ kèm theo quyết định về cơ quan, đơn vị đề nghị để quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi.
Như vậy, thủ tục khám giám định lại thương tật cho thương binh đang tại ngũ trong quân đội có vết thương đặc biệt tái phát như sau:
Bước 1: Thương binh làm Đơn đề nghị giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, người bị thương theo mẫu đơn đề nghị giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, người bị thương ban hành kèm theo Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Tải về mẫu đơn đề nghị giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với thương binh, người bị thương: Tại đây!
- Bản tóm tắt bệnh án điều trị vết thương.
- Nếu đã phẫu thuật phải có thêm phiếu phẫu thuật.
Gửi cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cấp trung đoàn và tương đương trở lên.
Bước 2: Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cấp trung đoàn và tương đương trở lên trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ phải có trách nhiệm kiểm tra và xét duyệt.
Có văn bản kèm theo các giấy tờ nêu trên, đề nghị cấp sư đoàn và tương đương trong thời gian 05 ngày, gửi đến cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh.
Bước 3: Cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ thương binh, trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ theo quy định, có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ lưu trữ tại cơ quan.
Có văn bản kèm theo các giấy tờ nêu trên và bản trích lục hồ sơ thương binh, bản sao giấy chứng nhận bị thương, bản sao biên bản của các lần giám định trước gửi đến Cục Chính sách.
Bước 4: Cục Chính sách trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm thẩm định và chuyển hồ sơ về Cục Chính trị quân khu hoặc cấp giấy giới thiệu đối với trường hợp đủ điều kiện, kèm theo bản sao hồ sơ đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền để giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Bước 5: Cục Chính trị quân khu trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và thông báo kết quả thẩm định của Cục Chính sách, có trách nhiệm cấp giấy giới thiệu đối với trường hợp đủ điều kiện, kèm theo bản sao hồ sơ đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền để giám định lại tỷ lệ tổn thương cơ thể.
Bước 6: Hội đồng giám định y khoa các cấp trong thời gian 45 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, có trách nhiệm tổ chức khám giám định thương tật và thực hiện như quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 55/2022/TT-BQP.
Bước 7: Tư lệnh hoặc Chính ủy quân khu, Cục trưởng Cục Chính sách trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận được biên bản giám định y khoa, có trách nhiệm ban hành quyết định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.
Chuyển hồ sơ kèm theo quyết định về cơ quan, đơn vị đề nghị để quản lý và thực hiện chế độ ưu đãi.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?
- Đảo Phú Quốc có hình dạng gần giống như hình nào? Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất tỉnh Kiên Giang đúng không?
- Các trường hợp không được hoàn thuế GTGT dự án đầu tư từ ngày 01/7/2025?