Vì sao hiện nay tên của một số Văn phòng công chứng không có tên Công chứng viên kèm theo?
Tên gọi của Văn phòng công chứng hiện nay được đặt theo quy tắc nào?
Tại Điều 22 Luật Công chứng 2014 có quy định về văn phòng công chứng như sau:
Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
2. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Theo quy định hiện nay, các văn phòng công chứng khi thành lập phải được đặt tên theo quy tắc “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận,
Tên của Văn phòng công chứng không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Vì sao hiện nay tên của một số Văn phòng công chứng không có tên Công chứng viên kèm theo? (Hình từ Internet)
Vì sao hiện nay tên của một số Văn phòng công chứng không có tên Công chứng viên kèm theo?
Tại Điều 79 Luật Công chứng 2014 có quy định cụ thể như sau:
Điều khoản chuyển tiếp
1. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập theo quy định của Luật công chứng số 82/2006/QH11 phải chuyển đổi thành Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều 22 của Luật này. Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập không thực hiện xong việc chuyển đổi trong thời hạn này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi quyết định cho phép thành lập, Sở Tư pháp thu hồi giấy đăng ký hoạt động công chứng.
Bộ Tư pháp hướng dẫn thủ tục chuyển đổi Văn phòng công chứng quy định tại khoản này.
2. Văn phòng công chứng được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được giữ nguyên tên gọi đã đăng ký. Trường hợp Văn phòng công chứng thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải đăng ký lại hoạt động; trường hợp thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này thì phải thay đổi tên gọi của Văn phòng công chứng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật này.
3. Tổ chức hành nghề công chứng được thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên theo quy định tại Điều 37 của Luật này trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.
4. Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tư pháp tiếp tục được thực hiện cho đến khi tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên quy định tại Điều 39 của Luật này ban hành mới Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
Mặc khác, theo quy định tại Điều 26 Luật Công chứng 2006 (đã hết hiệu lực) có quy định về tên gọi của văn phòng công chứng theo quy định tại Luật Công chứng 2006 như sau:
Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập.
Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên.
2. Văn phòng công chứng có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
Chính phủ quy định con dấu của Văn phòng công chứng.
3. Tên gọi của Văn phòng công chứng do công chứng viên lựa chọn nhưng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng”, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Theo đó, những văn phòng công chứng được thành lập trước ngày 01/01/2015 (trước ngày Luật Công chứng 2014) có hiệu lực thi hành) thì được giữ nguyên tên gọi đã đăng ký. Không cần phải đổi lại tên theo nguyên tắc được quy định tại Điều 22 Luật Công chứng 2014.
Bên cạnh đó, trước đây theo quy định tại Luật Công chứng 2006 thì tên gọi của Văn phòng công chứng sẽ không bắt buộc phải có tên của công chứng viên. Chính vì vậy, nếu văn phòng công chứng được thành lập theo Luật Công chứng 2006 mà không dùng tên của công chứng viên thì vẫn được giữ nguyên tên gọi đã đăng ký theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Luật Công chứng 2014.
Chính vì vậy, hiện nay trên thực tế vẫn có một số văn phòng công chứng không có tên công chứng viên kèm theo.
Được bán lại Văn phòng công chứng khi đã hoạt động bao nhiêu năm?
Tại Điều 29 Luật Công chứng 2014 có quy định về chuyển nhượng văn phòng công chứng như sau:
Chuyển nhượng Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm.
Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chuyển nhượng.
2. Công chứng viên nhận chuyển nhượng Văn phòng công chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên đối với người dự kiến sẽ tiếp quản vị trí Trưởng Văn phòng công chứng;
b) Cam kết hành nghề tại Văn phòng công chứng mà mình nhận chuyển nhượng;
c) Cam kết kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng công chứng được chuyển nhượng.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng.
4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chuyển nhượng Văn phòng công chứng.
Theo đó, Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng (bán) khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 02 năm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?