Những hoạt động nào được xem là phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt?
Thế nào là vũ khí hủy diệt hàng loạt?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 81/2019/NĐ-CP thì vũ khí hủy diệt hàng loạt hay còn gọi là vũ khí hủy diệt lớn là các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất có khả năng sát thương cao trên diện rộng, có khả năng hủy diệt, gây tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, môi trường sinh thái và gây hoảng loạn về tâm lý, tinh thần con người
Vũ khí hủy diệt hàng loạt gồm có:
- Vũ khí hạt nhân là vũ khí dựa trên cơ sở sử dụng năng lượng được giải phóng từ các phản ứng phân chia hạt nhân và phản ứng tổng hợp hạt nhân không điều khiển. Các nhân tố sát thương chủ yếu gồm sóng xung kích, bức xạ quang, bức xạ xuyên, phóng xạ và xung điện từ; đạn dược hạt nhân, phương tiện đưa chúng tới mục tiêu và phương tiện điều khiển là bộ phận không thể tách rời của vũ khí hạt nhân.
- Vũ khí phóng xạ là vũ khí dùng chất phóng xạ để sát thương sinh lực bằng bức xạ ion hóa làm nhiễm xạ môi trường xung quanh, phương tiện kỹ thuật và các đối tượng khác.
- Vũ khí hóa học là vũ khí dựa trên đặc tính gây độc cao và tác động nhanh của các loại hóa chất.
- Vũ khí sinh học là vũ khí dựa trên đặc tính gây bệnh hoặc truyền bệnh của các tác nhân sinh học gây dịch giết hại hàng loạt cho người, động vật, thực vật.
Những hoạt động nào được xem là phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt? (Hình từ Internet)
Những hoạt động nào được xem là phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt?
Tại khoản 6 Điều 4 Nghị định 81/2019/NĐ-CP có giải thích từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
....
6. Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
a) Là hoạt động làm lan rộng kiến thức, công trình nghiên cứu khoa học, các thành phần tiền chất, vật liệu liên quan của chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được quy định tại điểm b khoản này;
b) Hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sở hữu, mua lại, dự trữ, lưu trữ, phát triển, vận chuyển, bán, cung cấp, chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc các hoạt động có liên quan được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên quan; hoặc cung cấp đào tạo kỹ thuật, tư vấn, dịch vụ, môi giới, hỗ trợ liên quan đến bất kỳ hoạt động nào được xác định trong điểm này.
Như vậy, những hoạt động được xem là hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm các hoạt động làm lan rộng kiến thức, công trình nghiên cứu khoa học, các thành phần tiền chất, vật liệu liên quan của chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Những nguyên tắc phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Việt Nam hiện nay?
Theo Điều 5 Nghị định 81/2019/NĐ-CP những nguyên tắc phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Việt Nam bao gồm:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tuân thủ điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Việc phối hợp xử lý, giải quyết về công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải thận trọng, tích cực, chủ động, kịp thời; đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng theo sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Chính phủ;
- Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thực thi pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức theo thẩm quyền đúng quy định của pháp luật có liên quan.
- Tài sản, quyền và lợi ích của bên thứ ba hợp pháp được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật; thiệt hại về tài sản và lợi ích của cá nhân, tổ chức do hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gây ra trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải được bồi thường theo quy định của pháp luật; các hành vi vi phạm về phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và tài sản liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt được xử lý theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xem lịch âm Tháng 11 2024 - Lịch vạn niên Tháng 11 2024 đầy đủ, mới nhất? Tháng 11 âm lịch có ngày lễ lớn nào không?
- Tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển xe máy chuyên dùng từ 01/01/2025?
- Bài phát biểu 20 11 của học sinh - Ngày Nhà giáo Việt Nam 2024?
- Người lao động chết do tai nạn lao động thì thân nhân có được hưởng trợ cấp một lần khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện không?
- Gọi đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 để quấy rối, đe dọa, xúc phạm bị xử phạt bao nhiêu tiền?