Việc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
Đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính là gì?
Căn cứ tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015 giải thích về các từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
4. Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
...
Như vậy, đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính là những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước mà quyết định, hành vi đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể mà quyết định, hành vi đó hướng tới.
Việc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã có là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không? (Hình từ Internet)
Có những loại chứng thực nào?
Căn cứ tại khoản 2, 3, 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP giải thích về một số từ ngữ như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Cấp bản sao từ sổ gốc” là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc.
2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
4. “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
...
Như vậy, chứng thực là một hoạt động của cơ quan có thẩm quyền nhằm xác nhận. chứng nhận một sự việc, giấy tờ, văn bản, chữ ký cá nhân, thông tin cá nhân,.. về mặt hình thức. Hiện nay đang có 03 hình thức chứng thực là:
- Chứng thực bản sao từ bản chính;
- Chứng thực chữ ký;
- Chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực với những giấy tờ nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực như sau:
Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực
...
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:
a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
c) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
d) Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
đ) Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
e) Chứng thực di chúc;
g) Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
h) Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xác nhận cho các yêu cầu, giao dịch dân sự của người có yêu cầu chứng thực. Vì vậy, người chứng thực phải có trách nhiệm về tính chính xác trên mặt hình thức của đối tượng xác thực.
Như vậy, để trả lời cho câu hỏi việc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã có phải là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính không thì phải xác định hành vi chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã có gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể hay không. Nếu có thì đó sẽ là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Ủy ban nhân dân cấp xã có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?