Cơ quan nào có thẩm quyền kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp?
Đình công là gì?
Căn cứ theo Điều 198 Bộ luật Lao động 2019 quy định đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Cơ quan nào có thẩm quyền kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp? (Hình từ Internet).
Trường hợp người lao động có quyền đình công khi nào?
Căn cứ theo Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trường hợp người lao động có quyền đình công.
Trường hợp người lao động có quyền đình công
Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền tiến hành thủ tục quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này để đình công trong trường hợp sau đây:
1. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
2. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Căn cứ theo quy định trên, trường hợp đình công thì tổ chức đại diện người lao động sẽ là bên tranh chấp lao động tập thể và có quyền tiến hành đình công theo các trường hợp sau:
- Khi hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo yêu cầu của tổ chức đại diện hoặc cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Cơ quan nào có thẩm quyền kết luận đình công bất hợp pháp?
Căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 203 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền của các bên trước và trong qua trình đình công như sau:
Quyền của các bên trước và trong quá trình đình công
....
3. Người sử dụng lao động có quyền sau đây:
a) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;
b) Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản
c) Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 403 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công
1. Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt đình công, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
....
Căn cứ theo Điều 405 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về tính hợp pháp của cuộc đình công trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Căn cứ theo Điều 412 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyết định tính hợp pháp của cuộc đình công.
Quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công
1. Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải nêu rõ lý do và căn cứ để kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công.
Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải được công bố công khai tại phiên họp và gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp. Tập thể lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án nhưng có quyền kháng cáo; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định đó.
2. Sau khi quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công được công bố, nếu cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc.
Căn cứ theo các quy định trên, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công bất hợp pháp. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công là cơ quan có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Việc kháng cáo, kháng nghị đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh về tính hợp pháp cuộc đình công sẽ do Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền thực hiện.
Tính hợp pháp của cuộc định công phải được Tòa án ra quyết định và nêu rõ lý do kèm căn cứ để đưa ra kết luận. Quyết định này phải được công bố công khai tại phiên họp và gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp.
Như vậy, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?