Bạn bè có được vào trại giam để thăm phạm nhân không? Thân nhân đến thăm phạm nhân phải chuẩn bị những giấy tờ gì?
Bạn bè có được vào trại giam để thăm phạm nhân không?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 14/2020/TT-BCA có quy định về đối tượng được gặp phạm nhân như sau:
Đối tượng được gặp phạm nhân
1. Thân nhân được gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến gặp phạm nhân tối đa không quá 03 thân nhân, trường hợp đặc biệt do yêu cầu giáo dục cải tạo, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân có thể quyết định việc tăng số lượng thân nhân được gặp phạm nhân nhưng không quá 05 người và phải đảm bảo việc phạm nhân gặp thân nhân không làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cơ sở giam giữ phạm nhân.
2. Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đề nghị được gặp phạm nhân thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm.
Theo đó, những đối tượng là thân nhân được vào trại giam thăm phạm nhân bao gồm:
- Ông, bà nội; ông, bà ngoại;
- Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp;
- Vợ hoặc chồng;
- Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp;
- Anh, chị, em ruột, dâu, rể; anh, chị em vợ (hoặc chồng);
- Cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.
Như vậy, trường hợp những người có mối quan hệ bạn bè với phạm nhân nếu có đề nghị được vào trại giam thăm phạm nhân thì phải được Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân xem xét, giải quyết.
Nếu xét thấy phù hợp với lợi ích hợp pháp của phạm nhân cũng như yêu cầu quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và phòng, chống tội phạm thì người có mối quan hệ bạn bè có thể được gặp phạm nhân.
Bạn bè có được vào trại giam để thăm phạm nhân không? (Hình từ Internet)
Thân nhân đến thăm phạm nhân phải chuẩn bị những giấy tờ gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA có quy định về Thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác như sau:
Thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác
1. Thân nhân đến gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ gặp phạm nhân (trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ hoặc không có tên trong Sổ thì phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân) hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập và phải có một trong những giấy tờ cá nhân sau (trừ người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
Đối với phạm nhân là người nước ngoài, thủ tục giải quyết cho phạm nhân gặp thân nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 52 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
...
3. Trường hợp người đến gặp phạm nhân không có giấy tờ cá nhân thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
4. Phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 3 Thông tư này phải có đủ thủ tục theo quy định tại khoản 1 Điều này và các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Trích lục kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân cấp xã thể hiện thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân; đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của thân nhân phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân, thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân và các quy định pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành; phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.
...
Như vậy, thân nhân đến thăm phạm nhân phải chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Có tên trong Sổ gặp phạm nhân hoặc đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh là thân nhân phạm nhân trong trường hợp gặp lần đầu chưa có Sổ gặp phạm nhân hoặc không có tên trong Sổ gặp phạm nhân.
- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
- Trường hợp người đến gặp phạm nhân không có giấy tờ cá nhân thì phải có đơn đề nghị được dán ảnh do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
- Trường hợp phạm nhân được gặp vợ, chồng ở phòng riêng thì phải có các giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Trích lục kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của thân nhân phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân, thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm;
+ Đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân và các quy định pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành;
Ngôn ngữ khi giao tiếp với phạm nhân tại cơ sở giam giữ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 14/2020/TT-BCA có quy định về trách nhiệm của phạm nhân và người đến gặp phạm nhân như sau:
Trách nhiệm của phạm nhân và người đến gặp phạm nhân
...
3. Khi giao tiếp, người đến gặp phạm nhân và phạm nhân phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, trừ người dân tộc thiểu số và người nước ngoài không biết tiếng Việt thì được sử dụng ngôn ngữ khác. Người bị hạn chế về khả năng nghe, nói được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc thiết bị hỗ trợ cho việc giao tiếp nhưng phải được cán bộ có trách nhiệm kiểm tra trước khi sử dụng.
Như vậy, ngôn ngữ khi người đến gặp phạm nhân giao tiếp với phạm nhân tại cơ sở giam giữ phải là tiếng Việt.
Trường hợp, người dân tộc thiểu số và người nước ngoài không biết tiếng Việt thì được sử dụng ngôn ngữ khác, người bị hạn chế về khả năng nghe, nói được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hoặc thiết bị hỗ trợ nhưng phải được cán bộ có trách nhiệm kiểm tra trước khi sử dụng.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mùng 4/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương lịch? Mùng 4 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Tốc độ tối đa đối với xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ từ 1/1/2025?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của cán bộ công chức viên chức: Chốt nghỉ 09 ngày liên tiếp?
- Ở đại hội đảng viên, đảng viên đề cử đảng viên chính thức bằng hình thức nào?
- Lịch nghỉ Tết nguyên đán 2025 dài hơn 02 ngày so với năm 2024?