Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì xử lý như thế nào? Có quyền từ chối dẫn độ tội phạm cho nước ngoài không?
Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì xử lý như thế nào?
Căn cứ tại Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
2. Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, theo quy định trên, nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam không thuộc các đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì hành vi phạm tội của họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị dẫn độ về nước trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị dẫn độ về nước trong các trường hợp sau:
- Người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.
- Hành vi phạm tội của người nước ngoài không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu dẫn độ.
- Trường hợp hành vi phạm tội của người nước ngoài xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.
Việt Nam có quyền từ chối dẫn độ tội phạm cho nước ngoài không?
Căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định các trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm nước ngoài như sau:
- Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;
+ Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;
+ Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam;
+ Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;
+ Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007
- Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ trên, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam;
+ Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Phương thức giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Ngân hàng Nhà nước được quy định như thế nào?
- Mẫu Bản kiểm điểm của Phó Bí thư chi bộ cập nhật năm 2024?
- Mỗi cá nhân có bao nhiêu mã định danh y tế? Mã định danh y tế có mấy ký tự?
- Giếng khoan dầu khí cần bảo quản loại 1 bao gồm giếng nào? Giếng khoan dầu khí cần bảo quản loại 1 phải được kiểm tra định kỳ hằng năm đúng không?
- Khai thuế là gì? Người nộp thuế thực hiện việc khai thuế tại đâu theo quy định pháp luật về thuế?