Đối tượng nào được quyền ưu tiên trong việc giao kết hợp đồng trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thủy, lãnh hải Việt Nam?
- Đối tượng nào được quyền ưu tiên trong việc giao kết hợp đồng trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thủy, lãnh hải Việt Nam?
- Trường hợp chủ sở hữu không nhận lại tài sản chìm đắm thì tài sản đó được xử lý như thế nào?
- Ai có thẩm quyền quyết định việc xử lý tài sản chìm đắm khi chủ sở hữu tài sản mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm?
Đối tượng nào được quyền ưu tiên trong việc giao kết hợp đồng trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thủy, lãnh hải Việt Nam?
Tại Điều 280 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định quyền ưu tiên trục vớt tài sản chìm đắm như sau:
Quyền ưu tiên trục vớt tài sản chìm đắm
Tổ chức, cá nhân Việt Nam được quyền ưu tiên trong việc giao kết hợp đồng trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thủy, lãnh hải Việt Nam.
Như vậy, đối tượng được quyền ưu tiên trong việc giao kết hợp đồng trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thủy, lãnh hải Việt Nam là tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Đối tượng nào được quyền ưu tiên trong việc giao kết hợp đồng trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thủy, lãnh hải Việt Nam? (Hình từ Internet)
Trường hợp chủ sở hữu không nhận lại tài sản chìm đắm thì tài sản đó được xử lý như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định trường hợp chủ sở hữu không nhận tài sản chìm đắm như sau:
Trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm
1. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm gây nguy hiểm có nghĩa vụ thông báo ngay cho Giám đốc Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất biết sự cố xảy ra và phải tiến hành trục vớt tài sản đó trong thời hạn theo quy định của Chính phủ. Trong trường hợp chủ sở hữu tài sản không trục vớt hoặc không có khả năng bảo đảm trục vớt tài sản đúng thời hạn thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức trục vớt và quyết định thời hạn chủ sở hữu tài sản phải thanh toán các chi phí liên quan.
Chủ sở hữu tài sản phải bồi thường các tổn thất liên quan và bị xử phạt theo quy định của pháp luật, ngay cả khi bị mất quyền sở hữu đối với tài sản bị chìm đắm quy định tại khoản 1 Điều 281 của Bộ luật này.
2. Sau 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo về việc tài sản đã được trục vớt, nếu chủ sở hữu tài sản không yêu cầu nhận lại tài sản hoặc không thanh toán các chi phí liên quan trong thời hạn quy định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản. Trường hợp tài sản chìm đắm gây nguy hiểm thuộc loại tài sản mau hỏng hoặc chi phí cho việc bảo quản lớn hơn so với giá trị của tài sản đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc bán đấu giá tài sản ngay sau khi trục vớt. Việc tổ chức bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi thanh toán các chi phí trục vớt, bảo quản, bán đấu giá và chi phí hợp lý khác có liên quan đến tài sản quy định tại khoản 2 Điều này, nếu còn tiền bán đấu giá thì phải được gửi vào ngân hàng và thông báo cho chủ sở hữu tài sản biết; sau 180 ngày kể từ ngày thông báo, nếu chủ sở hữu tài sản không nhận số tiền còn lại thì số tiền này cùng với tiền lãi được sung vào công quỹ nhà nước, trừ trường hợp chủ sở hữu đã mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm theo quy định tại Điều 281 của Bộ luật này.
4. Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản chìm đắm theo quy định tại khoản 3 Điều này không đủ để bù đắp chi phí thì chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải hoàn trả đủ số tiền còn thiếu trong thời hạn do cơ quan quyết định trục vớt tài sản chìm đắm đó xác định; nếu chủ sở hữu tài sản chìm đắm không có khả năng chi trả hoặc không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm thì số tiền còn thiếu được lấy từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, nếu chủ sở hữu tài sản không yêu cầu nhận lại tài sản trong thời hạn quy định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản.
Việc tổ chức bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ai có thẩm quyền quyết định việc xử lý tài sản chìm đắm khi chủ sở hữu tài sản mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm?
Tại khoản 2 Điều 281 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm như sau:
Mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm
1. Chủ sở hữu tài sản mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm trong trường hợp không thông báo hoặc không trục vớt tài sản trong thời hạn quy định tại Điều 278 và Điều 279 của Bộ luật này và tài sản chìm đắm đó đương nhiên trở thành tài sản của Nhà nước Việt Nam.
2. Trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 284 của Bộ luật này quyết định việc xử lý tài sản chìm đắm.
3. Chủ sở hữu tài sản chìm đắm gây nguy hiểm bị mất quyền sở hữu quy định tại khoản 1 Điều này vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản chìm đắm khi chủ sở hữu tài sản mất quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm trong trường hợp không thông báo hoặc không trục vớt tài sản trong thời hạn như sau:
(1) Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức xử lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm.
(2) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức xử lý tài sản chìm đắm là di sản văn hóa.
(3) Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức xử lý tài sản chìm đắm liên quan đến quốc phòng và tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự.
(4) Bộ Công an chủ trì tổ chức xử lý tài sản chìm đắm liên quan đến an ninh quốc gia.
(5) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức xử lý tài sản chìm đắm không thuộc tài sản tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 284 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2024, kỷ niệm bao nhiêu năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/1930 - 18/11/2024)?
- 12 dịch vụ tại cảng biển thuộc diện kê khai giá từ ngày 15/01/2025?
- Mẫu đơn giải trình Đảng viên sinh con thứ 3 mới nhất năm 2024?
- Tỉnh Bắc Kạn có bao nhiêu huyện và thành phố? Tỉnh Bắc Kạn giáp tỉnh nào?
- Lập xuân 2025 vào ngày nào? Ngày Lập xuân bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?