Thời hạn định giá tài sản khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản là bao lâu? Quản tài viên không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Thời hạn định giá tài sản khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản là bao lâu?
- Tài sản mà không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên thì phải xử lý như thế nào?
- Quản tài viên không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Thời hạn định giá tài sản khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản là bao lâu?
Tại Điều 122 Luật Phá sản 2014 quy định định giá tài sản như sau:
Định giá tài sản
1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải tổ chức định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Khi ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không được ký hợp đồng thẩm định giá với cá nhân, tổ chức mà mình có quyền, lợi ích liên quan.
2. Trường hợp tài sản thanh lý có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản xác định giá trị tài sản và thanh lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải tổ chức định giá tài sản trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản.
Thời hạn định giá tài sản khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản là bao lâu? (Hình từ Internet)
Tài sản mà không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên thì phải xử lý như thế nào?
Tại khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản 2014 quy định yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản như sau:
Yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản
1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản.
2. Văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện thanh lý tài sản có các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên của Chấp hành viên yêu cầu;
c) Tên của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản;
d) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;
đ) Phương thức thanh lý tài sản cụ thể theo quy định tại các điều 122, 123 và 124 của Luật này.
3. Văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản phải được gửi cho Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, người tham gia thủ tục phá sản.
4. Tài sản mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tài sản mà không thực hiện được việc thanh lý sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Quản tài viên không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Tại Điều 79 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản như sau:
Hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản
...
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản; lợi dụng danh nghĩa quản tài viên hoặc lợi dụng nhiệm vụ quyền hạn của doanh nghiệp để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí quản tài viên được nhận theo quy định;
b) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích trục lợi;
c) Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được doanh nghiệp, hợp tác xã đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
d) Không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản hoặc không gửi khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng hoặc không báo cáo cơ quan thi hành án dân sự hoặc không thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản theo quy định;
đ) Không chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định trong trường hợp sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên mà không thực hiện được việc thanh lý tài sản;
e) Không báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hành nghề quản lý, thanh lý tài sản mà không đủ điều kiện hành nghề.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Tịch thu tang vật là chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với chứng chỉ hành nghề quản tài viên bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 2, các khoản 3 và 4 Điều này.
Tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
...
Như vậy, quản tài viên không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản bị xử phạt từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng.
Mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức có hành vi vi phạm sẽ có mức phạt tiền gấp 02 lần đối với cá nhân.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Nguyên tắc lập quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì?
- 24 tiết khí của 4 mùa trong năm 2025? Làm việc vào ngày lễ, tết 2025 được trả lương thế nào?
- 12/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương? 12 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Mẫu thư gửi chú bộ đội ở đảo xa nhân ngày 22/12 năm 2024?
- Các yếu tố cấu thành tội môi giới mại dâm theo pháp luật Hình sự?