Điều tra trong vụ án hình sự là gì? Thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra thuộc về ai?
Điều tra trong vụ án hình sự là gì?
Điều tra là hoạt động tố tụng hình sự do cá nhân và cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các giai đoạn tố tụng hình sự bao gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra sẽ tiến hành các hoạt động, thủ tục điều tra theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nhằm mục đích thu thập chứng cứ,tìm ra sự thật khách quan.
Nếu không có hoạt động điều tra, viện kiểm sát không có cơ sở, kết luận để truy tố, toà án không có cơ sở để xét xử vụ án. Để thực hiện điều đó, ở giai đoạn điều tra cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ xác định tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can và chứng cứ xác định các tình tiết khác của vụ án.
Trong giai đoạn điều tra nếu như thu thập được đầy đủ chứng cứ hoặc việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai bị cáo có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì viện kiểm sát hoặc tòa án sẽ trả hồ sơ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện điều tra bổ sung.
Điều tra trong vụ án hình sự là gì? Thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra thuộc về ai? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục điều tra vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
...
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
...
Khi có tin tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan, tổ chức gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Sau khi tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động điều tra theo các trình tự, thủ tục điều tra:
- Hỏi cung bị can: Việc hỏi cung được tiến hành bởi Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên tùy vào trường hợp (Căn cứ Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
- Lấy lời khai người làm chứng: Người tiến hành lấy lời khai là điều tra viên, các bộ điều tra hoặc kiểm sát viên (Điều 186 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
- Đối chất: Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất. Trong một số trường hợp cần thiết thì kiểm sát viên tiến hành đối chất (Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
- Nhận dạng, nhận biết giọng nói: Theo Điều 190 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 191 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 điều tra viên tiến hành đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng và cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói;
- Khám xét người: Theo Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quyền ra lệnh khám xét. Điều tra viên thi hành lệnh (người cùng giới thực hiện);
- Khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật: quy định tại Chương XIII Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
- Khám nghiệm hiện trường: Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án (Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
- Khám nghiệm tử thi: Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến (Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
- Thực nghiệm điều tra: Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết (Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
- Giám định, định giá tài sản: được quy định tại chương XV Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
- Các biện pháp điều tra đặc biệt: được quy định tại chương XVI Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Khi kết thúc điều tra cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố nếu có đủ chứng cứ, hoặc đình chỉ điều tra nếu có một trong các căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hay đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can là người thực hiện tội phạm.
Thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra vụ án hình sự thuộc về ai?
Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 những cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra bao gồm như sau:
- Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vụ án hình sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?