Giải quyết yêu cầu xác định lại dân tộc
Trong vụ việc nói trên, cha mẹ cháu Công đã nêu lên yêu cầu về việc xác định lại dân tộc cho con mình. Dân tộc là một trong những đặc điểm nhân thân cơ bản của cá nhân, có tính bền vững, chỉ có thể được thay đổi trong những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thay đổi dân tộc cũng là một quyền nhân thân cơ bản của cá nhân được pháp luật dân sự ghi nhận và bảo vệ dưới phương diện quyền xác định lại dân tộc. Do đó, để xét xem yêu cầu về việc xác định lại dân tộc cho cháu Công có thể giải quyết được hay không, cán bộ tư pháp - hộ tịch cần căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự về quyền xác định dân tộc. Đồng thời cần căn cứ vào quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP để áp dụng thủ tục, trình tự giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.
Về quyền xác định lại dân tộc
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Bộ luật Dân sự thì người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau. Theo quy định này có thể hiểu điều kiện để có thể xem xét giải quyết việc xác định lại dân tộc cho một người là:
- Người đó có cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
- Người đó đã từng được xác định dân tộc lần đầu theo dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ;
- Nếu là người đã thành niên, thì người đó có quyền trực tiếp yêu cầu xác định lại dân tộc. Nếu là người chưa thành niên thì việc xác định lại dân tộc được thực hiện theo yêu cầu thống nhất của cha đẻ và mẹ đẻ hoặc của người giám hộ. Tuy nhiên, nếu đó là người chưa thành niên nhưng đã đủ 15 tuổi trở lên thì việc xác định lại dân tộc còn phải được sự đồng ý của chính người đó.
Như vậy, áp dụng vào trường hợp này có thể thấy yêu cầu của cha mẹ cháu Công về việc xác định lại dân tộc cho con của mình là xuất phát từ quyền lợi của con, và có cơ sở pháp lý để giải quyết. Do vậy, cán bộ tư pháp - hộ tịch có trách nhiệm tiếp nhận và thụ lý giải quyết yêu cầu này theo đúng quy định của pháp luật, chứ không thể vì cho rằng việc xin xác định lại dân tộc đó nhằm mục đích hưởng lợi mà từ chối giải quyết yêu cầu của cha mẹ cháu Công.
Về thẩm quyền giải quyết
Theo quy định tại khoản 3 Điều 36 và khoản 2 Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì thẩm quyền giải quyết việc xác định lại dân tộc là thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, nơi mà trong địa hạt huyện đó cháu Công đã được đăng ký khai sinh. Do đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã cần hướng dẫn cha mẹ cháu Công hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để nộp lên Phòng Tư pháp huyện yêu cầu giải quyết.
Về thủ tục giải quyết
Để Uỷ ban nhân dân xã có cơ sở giải quyết việc xác định lại dân tộc cho cháu Công, cha mẹ cháu Công cần nộp hồ sơ với các giấy tờ được quy định tại Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, bao gồm:
Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai xác định lại dân tộc theo mẫu quy định;
- Văn bản thể hiện sự đồng ý của bản thân cháu Công về việc xác định lại dân tộc cho mình (vì cháu Công đã từ đủ 15 tuổi trở lên).
Giấy tờ phải xuất trình kèm theo:
- Bản chính Giấy khai sinh của cháu Công;
- Sổ hộ khẩu gia đình;
- Các giấy tờ chứng minh về dân tộc của cha và mẹ cháu Công (Giấy khai sinh hoặc Chứng minh nhân dân của cha và mẹ cháu Công).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?