Có phải trả lãi khi vay tiền nhưng không thỏa thuận lãi suất không?
Vay tiền nhưng không thỏa thuận lãi suất thì có phải trả lãi hay không?
Tôi có vay 50.000.000 đồng của bạn và có ký hợp đồng vay tiền. Trong hợp đồng không có quy định về lãi suất vay. Vậy Ban tư vấn cho tôi hỏi vay tiền nhưng không thỏa thuận lãi suất thì có phải trả lãi không? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban tư vấn. Chân thành cảm ơn Ban tư vấn rất nhiều!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 thì lãi suất khi vay tiền là do các bên thỏa thuận. Nếu như không có thỏa thuận thì khoản vay đó được xem như khoản vay không có lãi và bên vay không phải trả lãi.
Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:
Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Do trong hợp đồng vay không có thỏa thuận về lãi suất vay nên bạn không phải trả lãi khi vay tiền. Tuy nhiên nếu như khi đến hạn mà bạn không trả đủ tiền bạn thì bạn phải trả tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng. Như vậy, nếu bạn trả tiền đúng hạn thì không phải trả lãi, còn nếu trả không đúng hạn thì phải trả lãi.
Có phải trả lãi khi vay tiền nhưng không thỏa thuận lãi suất không? (Hình từ Internet)
Công ty có được cho nhân viên vay tiền và trừ vào lương hàng tháng?
Công ty em đang có trường hợp sau: Trưởng phòng nhân sự có nhu cầu mua ô tô để đi lại thuận tiện hơn nhưng tiền mặt thiếu 50 triệu nên có yêu cầu công ty xem xét. Giám đốc đồng ý hỗ trợ nhân viên số tiền bị thiếu còn lại bằng cách cho vay và trừ vào lương hàng tháng. Cho em hỏi khi doanh nghiệp cho vay như vậy có ảnh hưởng gì về mặt pháp lý không?
Em cảm ơn!
Trả lời:
Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Điều 463 Bộ luật dân sự 2015:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, trong trường hợp này giữa công ty và nhân viên tồn tại quan hệ cho vay và bên vay có trách nhiệm trả nợ, đây là quan hệ dân sự và các bên có quyền thỏa thuận với nhau về phương thức thanh toán tiền vay, các quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Giấy vay tiền có còn hiệu lực khi đã trả hết nợ?
Tôi có mượn của một người tên A số tiền 300 triệu đồng. Do cuộc sống tôi khó khăn nên đến kỳ hạn tôi có trả A 250 triệu đồng. Theo đó là A cũng đồng ý là hết nợ (có ký xác nhận cho tôi), thế nhưng thời gian sau A lại bắt tôi làm việc cho nhà A để trừ vào khoản tiền còn nợ, tôi không biết phải làm sao khi trước đó giấy vay tiền hay còn gọi là hợp đồng vay tiền của tôi với A đã hoàn thành khi tôi trả 250 triệu. Nay nhờ Ban biên tập hỗ trợ giúp: Giấy vay tiền có còn hiệu lực khi đã trả hết nợ?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, tại Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thỏa thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;
6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;
7. Trường hợp khác do luật quy định.
Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn nợ 300 triệu, khi đến hạn thì bạn trả 250 triệu do khó khăn nên không có khả năng chi trả phần còn lại và bên A (bên cho vay) cũng đồng ý là đã hết nợ.
Do đó, hợp đồng vay tiền giữa bạn và bên cho vay đã chấm dứt do hợp đồng đã được hoàn thành (các bên không còn quyền, nghĩa vụ nào liên quan đến hợp đồng vay tiền này nữa). Tuy nhiên, bây giờ bên A lật mặt thì bạn có thể đến gặp trực tiếp bên vay để nói chuyện, nếu không được thì bạn có thể kiện lên Tòa án cấp huyện bạn nhé.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch thi IOE cấp trường năm 2024? Học sinh cấp 2 thực hiện quyền và nhiệm vụ gì?
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?