Làm thủ tục ly hôn khi người vợ không được biết thông tin
Điều 199 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) có quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa như sau:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập có người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”
Theo quy định trên, mặc dù ông nội và bố của bạn đã dùng Chứng minh thư nhân dân của mẹ bạn và Giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ bạn để làm thủ tục ly hôn tại tòa án, nhưng việc Tòa án đã không gửi thông báo và giấy triệu tập đến cho mẹ bạn là vi phạm thủ tục tố tụng. Bởi vì, việc thông báo cho mẹ bạn là nghĩa vụ bắt buộc của tòa án nhằm đảm bảo quyền bào chữa của đương sự. Hậu quả pháp lý của việc vi phạm thủ tục tố tụng sẽ là căn cứ pháp lý để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (đối với bản án chưa có hiệu lực pháp luật) hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật) và cũng là cơ sở để Tòa án cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm ra quyết định theo thẩm quyền như hủy bản án…
Việc sử dụng quyền kháng cáo chỉ có thể được thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày tòa tuyên án (Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004) và việc sử dụng quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ khi bản án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 288 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004). Tuy nhiên, do sự việc đã diễn ra từ 10 năm trước nên mẹ của bạn đã không thể thực hiện được các quyền hợp pháp để xem xét lại bản án ly hôn theo quy định của pháp luật. Do đó, theo quy định của pháp luật thì việc bố của bạn đã kết hôn với người khác là hoàn toàn hợp pháp và mẹ của bạn cũng có quyền kết hôn với người khác.
Như vậy, phải nghiên cứu nội dung của bản án ly hôn thì mới có căn cứ xem xét việc ảnh hưởng đến quyền lợi của mẹ con bạn. Do bạn không cung cấp thông tin cụ thể nên chúng tôi chỉ có thể trả lời được như trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra hình sự Công an cấp huyện như thế nào?
- Tín hiệu bằng tay khi qua đường là gì? Không vẫy tay khi sang đường có bị phạt không?
- Tải Mẫu 41/UQ-ĐKT Mẫu Giấy uỷ quyền đăng ký thuế từ ngày 06/2/2025?
- Cách gói bánh tét dịp tết Nguyên đán? Người lao động chính thức nghỉ tết Nguyên đán 2025 vào mùng mấy?