“Thanh toán trước, kiểm soát sau” có phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện, và thời gian thực hiện như thế nào?
- Phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện, và thời gian thực hiện “Thanh toán trước, kiểm soát sau” là gì?
- Phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện và thời gian thực hiện “Kiểm soát trước, thanh toán sau” như thế nào?
- Trách nhiệm của các đơn vị Kho bạc nhà nước trong kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống Kho bạc Nhà nước là gì?
Phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện, và thời gian thực hiện “Thanh toán trước, kiểm soát sau” là gì?
Căn cứ Điều 6 Quy trình kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống kho bạc nhà nước Quyết định 890/QĐ-KBNN năm 2022 quy định về phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện, và thời gian thực hiện “Thanh toán trước, kiểm soát sau” như sau:
1. Phạm vi thực hiện “Thanh toán trước, kiểm soát sau”
Áp dụng đối với các khoản tạm ứng hợp đồng, các khoản chi có hợp đồng và thực hiện thanh toán nhiều lần cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng.
2. Thanh toán trước
2.1. Nội dung kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đã nhận
Nội dung kiểm tra, đổi chiếu: công chức kiểm soát chi/Giao dịch viên (gọi chung là Giao dịch viên) thực hiện kiểm soát sự đầy đủ, tính logic, tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định của hồ sơ pháp lý, hồ sơ tạm ứng, hồ sơ thanh toán; kiểm tra nguyên tắc tạm ứng, mức vốn đề nghị tạm ứng, bảo lãnh tạm ứng có phù hợp với quy định (nếu có), kiểm tra đối tượng phải thực hiện khấu trừ 1% thuế giá trị gia tăng (nếu có); kiểm soát đối tượng phải thực hiện cam kết chi theo quy định, đối chiếu số vốn đề nghị thanh toán không vượt số dư kế hoạch vốn trên văn bản giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền và hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (hệ thống TABMIS) kiểm tra điều kiện trong hợp đồng (lưu ý đối với trường hợp hợp đồng quy định hiệu lực của hợp đồng bắt đầu từ khi nhà thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng thì Giao dịch viên phải lưu Bảo đảm thực hiện hợp đồng) và kiểm tra dự toán được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu).
2.2. Trình tự thực hiện và thời gian thực hiện thanh toán trước
Chậm nhất là 01 ngày làm việc kể từ khi Giao dịch viên nhận đủ hồ sơ và hồ sơ đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định mà Chủ đầu tư phải gửi đến Kho bạc Nhà nước (nhận trực tiếp hoặc nhận qua dịch vụ công), Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoàn thành thủ tục thanh toán theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Trình tự các bước công việc được thực hiện như sau.
Bước 1:
- Giao dịch viên căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của Chủ đầu tư thực hiện kiểm tra các nội dung sau:
+ Kiểm tra các khoản đề nghị thanh toán theo hợp đồng đảm bảo thuộc đối tượng thực hiện cam kết chi thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi theo quy định hiện hành.
+ Kiểm soát sự đầy đủ, tính pháp lý của hồ sơ thanh toán (bao gồm việc kiểm tra mẫu dấu, chữ ký) phù hợp mã đơn vị sử dụng ngân sách, mục lục ngân sách, đầy đủ và thống nhất các chi tiêu ghi trên các hồ sơ, chứng từ đề nghị thanh toán.
+ Kiểm tra nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch vốn năm theo quyết định của cấp có thẩm quyền (bao gồm: theo nguồn vốn, niên độ kế hoạch vốn) và phù hợp với dự toán đã được phân bổ trên hệ thống TABMIS theo quy định.
Ngoài ra, cần kiểm tra, nắm vững các thông tin ghi trên văn bản giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền. Trường hợp phát hiện văn bản giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền chưa đúng mẫu quy định, hoặc còn thiếu thông tin như: tên dự án không phù hợp với quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thiếu nơi mở tài khoản của dự án, thiếu niên độ kế hoạch vốn, thiếu loại vốn (vốn cấp, vốn ứng, kéo dài, thu hồi vốn ứng trước,..), thiếu nguồn vốn được giao kế hoạch (vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ không hoàn lại (CK), vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước dành để đầu tư,...), Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch được phép từ chối, không nhận hồ sơ và có văn bản yêu cầu Chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền để điều chỉnh bổ sung theo đúng quy định của pháp luật.
+ Đối chiếu đảm bảo số vốn đề nghị thanh toán phù hợp với giá hợp đồng, các điều kiện trong hợp đồng và theo dự toán được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu).
+ Đối với các dự án đầu tư thuộc đối tượng khấu trừ 1% thuế giá trị gia tăng (GTGT):
Giao dịch viên thực hiện kiểm soát, xác định số thuế GTGT phải khấu trừ theo đúng quy định tại Khoản 5, Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ghi đầy đủ các chi tiêu trên giấy đề nghị thanh toán vốn (phần ghi của cơ quan kiểm soát, thanh toán), làm cơ sở cho việc thu nộp NSNN. Trường hợp nhà thầu chứng minh đã nộp đầy đủ tiền thuế vào NSNN (có bản sao chứng từ đã nộp thuế, hoặc có xác nhận của cơ quan thuế và Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác cũng như tính hợp pháp hợp lệ của chứng từ nộp cho cơ quan Kho bạc Nhà nước), Giao dịch viên không thực hiện khấu trừ 1% thuế GTGT, mà thực hiện thanh toán đầy đủ giá trị khối lượng XDCB hoàn thành cho nhà thầu theo đề nghị của Chủ đầu tư.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra nêu trên và kế hoạch vốn năm được cấp có thẩm quyền giao, Giao dịch viên xác định số vốn thanh toán, số vốn tạm ứng cần phải thu hồi (nếu có), tên, tài khoản đơn vị thụ hưởng, ghi đầy đủ vào các chỉ tiêu (phần ghi của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch) và ký vào Giấy đề nghị thanh toán vốn, Chứng từ chuyển tiền, Giấy đề nghị thu hồi vốn tạm ứng (nếu có), đồng thời nhập yêu cầu thanh toán vào hệ thống TABMIS (trường hợp giao dịch trực tiếp), giao diện từ dịch vụ công vào hệ thống TABMIS (trường hợp giao dịch qua dịch vụ công), đối với các đơn vị đã triển khai Chương trình quản lý các dự án đầu tư (Chương trình ĐTKB-GD) thì chứng từ sẽ giao diện từ hệ thống dịch vụ công (DVC) vào chương trình ĐTKB-GD hoặc nhập yêu cầu thanh toán (YCTT) vào chương trình ĐTKB-GD.
- Lập Tờ trình Lãnh đạo theo Mẫu số 01/KSC (kèm theo Quy trình này) trình Trưởng phòng đối với đơn vị KBNN cấp tỉnh, hoặc Kế toán trưởng đối với đơn vị KBNN cấp huyện (sau đây gọi chung là Trưởng phòng) toàn bộ hồ sơ tạm ứng, thanh toán.
- Trường hợp số vốn chấp nhận thanh toán trước có sự chênh lệch so với số vốn đề nghị của Chủ đầu tư, Giao dịch viên lập Thông báo kết quả kiểm soát thanh toán (Mẫu số 02/KSC kèm theo Quy trình này), nêu rõ lý do và báo cáo Trưởng phòng.
- Trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ, chưa đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định, Giao dịch viên thực hiện lập Phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ hoặc Phiếu từ chối tiếp nhận giải quyết hồ sơ theo Quyết định số 3519/QĐ-KBNN ngày 30/6/2020 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước và Quyết định số 2899/QĐ-KBNN ngày 15/6/2018 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước phù hợp với từng hình thức giao nhận hồ sơ.
Bước 2: Trưởng phòng kiểm tra hồ sơ, ký Tờ trình Lãnh đạo KBNN và các chứng từ giấy, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán vốn, Giấy đề nghị thu hồi vốn tạm ứng (nếu có), chứng từ chuyển tiền hoặc chứng từ trên được in phục hồi và ký YCTT trên các hệ thống phần mềm quản lý liên quan theo quy định (hệ thống TABMIS hoặc DVC hoặc ĐTKB-GD), sau đó chuyển lại hồ sơ cho Giao dịch viên để trình Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước phụ trách.
Trường hợp Trưởng phòng chấp nhận thanh toán số vốn khác so với số vốn Giao dịch viên trình và từ chối phê duyệt YCTT trên các hệ thống phần mềm quản lý liên quan theo quy định (hệ thống TABMIS hoặc DVC hoặc ĐTKB-GD), Trưởng phòng ghi rõ lý do số vốn chấp nhận thanh toán trên Tờ trình Lãnh đạo và yêu cầu Giao dịch viên hoàn thiện lại Thông báo kết quả kiểm soát thanh toán (Mẫu số 02/KSC kèm theo Quy trình này) trình Lãnh đạo KBNN ký, gửi Chủ đầu tư đề nghị lập lại chứng từ thanh toán.
Trường hợp Trưởng phòng không phê duyệt, Trưởng phòng ghi rõ lý do và trả lại hồ sơ, chứng từ cho Giao dịch viên kiểm tra, xử lý. Đồng thời, từ chối phê duyệt YCTT trên các phần mềm quản lý liên quan theo quy định (hệ thống TABMIS hoặc DVC hoặc ĐTKB-GD).
Bước 3: Lãnh đạo KBNN xem xét, ký duyệt Tờ trình Lãnh đạo của phòng Kiểm soát chi hoặc Giao dịch viên (đối với KBNN cấp huyện), đồng thời, ký chứng từ giấy, bao gồm: Giấy đề nghị thanh toán vốn, Giấy đề nghị thu hồi vốn tạm ứng (nếu có) và chứng từ chuyển tiền hoặc chứng từ trên được in phục hồi và ký trên các hệ thống phần mềm quản lý liên quan theo quy định (hệ thống TABMIS hoặc DVC hoặc ĐTKB-GD), sau đó chuyển trả hồ sơ cho phòng Kiểm soát chi hoặc Giao dịch viên (đối với KBNN cấp huyện).
Trường hợp Lãnh đạo KBNN yêu cầu làm rõ hồ sơ thanh toán thì Giao dịch viên, Trưởng phòng có trách nhiệm giải trình.
Trường hợp Lãnh đạo KBNN phê duyệt khác với số vốn đề nghị chấp nhận thanh toán của Trưởng phòng thì sau khi Lãnh đạo trả hồ sơ ghi rõ lý do, Giao dịch viên hoàn thiện lại Thông báo kết quả kiểm soát thanh toán (Mẫu số 02/KSC kèm theo Quy trình) theo ý kiến của Lãnh đạo KBNN, báo cáo Trưởng phòng trình Lãnh đạo KBNN ký gửi Chủ đầu tư về kết quả chấp nhận thanh toán.
Trường hợp sau khi kiểm soát, số vốn chấp nhận thanh toán có sự chênh lệch với số vốn đã thanh toán cho Chủ đầu tư, Giao dịch viên lập Thông báo kết quả kiểm soát thanh toán (Mẫu số 02/KSC kèm theo Quy trình này) và báo cáo Trưởng phòng trình Lãnh đạo KBNN ký gửi Chủ đầu tư thông báo về kết quả kiểm soát thanh toán và trừ vào những lần thanh toán tiếp theo (nếu số chấp nhận thanh toán nhỏ hơn số vốn đã thanh toán).
Trường hợp Lãnh đạo KBNN không phê duyệt, Lãnh đạo KBNN ghi rõ lý do và trả lại hồ sơ, đồng thời từ chối phê duyệt các yêu cầu thanh toán trên các phần mềm quản lý có liên quan theo quy định và trả lại hồ sơ, chứng từ cho Giao dịch viên để báo cáo Trưởng phòng kiểm tra, xử lý. Giao dịch viên thực hiện hủy YCTT trên các phần mềm quản lý liên quan theo quy định (hệ thống TABMIS hoặc DVC hoặc ĐTKB-GD).
Bước 4: Giao dịch viên thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với các loại hình thanh toán: Liên thông điện tử (thanh toán song phương), Citad, Liên kho bạc… Đối với KBNN tỉnh thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước tại Quyết định số 3519/QĐ-KBNN ngày 30/6/2020 ban hành kèm theo Quy trình xử lý, luân chuyển hồ sơ, chứng từ các khoản chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh.
Đối với KBNN huyện, Giao dịch viên thực hiện các bước tiếp theo quy định tại Quyết định số 2899/QĐ-KBNN ngày 15/6/2018 của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước ban hành kèm theo quy trình nghiệp vụ thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc Nhà nước cấp huyện không có tổ chức phòng.
(Tổng thời gian thực hiện từ Bước 1 đến Bước 4 là 01 ngày làm việc).
Lưu ý: Trường hợp hồ sơ đề nghị thanh toán của Chủ đầu tư đơn giản có thể thực hiện thanh toán ngay trong 01 ngày làm việc, Giao dịch viên báo cáo Trưởng phòng và báo cáo Lãnh đạo KBNN để thực hiện hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” mà không phải thực hiện hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Giao dịch viên tích chọn hình thức thanh toán tại Tờ trình Lãnh đạo KBNN hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” để theo dõi kiểm tra.
3. Kiểm soát sau, thời gian thực hiện và nội dung kiểm soát
3.1. Thời gian thực hiện
Ngay sau khi thực hiện thanh toán trước cho dự án theo Khoản 2, Điều 6 Quy trình này, căn cứ hồ sơ đã nhận, chậm nhất là 02 ngày làm việc kể từ ngày KBNN nơi giao dịch chấp nhận thanh toán, KBNN nơi giao dịch phải hoàn thành việc kiểm soát sau cho dự án.
3.2. Nội dung kiểm soát
Giao dịch viên thực hiện kiểm soát lại hồ sơ thanh toán theo nội dung tại Tiết 2.1, Khoản 2, Điều 6 Quy trình này; Ngoài ra, Giao dịch viên thực hiện kiểm soát các nội dung tại Tiết a, b, c, dưới đây, trình Trưởng phòng, Lãnh đạo KBNN xem xét, xử lý, cụ thể:
a) Kiểm tra, đối chiếu giữa hợp đồng với Quyết định hoặc văn bản phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đấu thầu, đảm bảo tính phù hợp, logic về thời gian, về tên gói thầu, nguồn vốn, hình thức lựa chọn nhà thầu (chỉ định thầu, đấu thầu), loại hợp đồng (trọn gói, theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh, theo thời gian, đơn giá kết hợp), thời gian thực hiện hợp đồng và giá trị hợp đồng không được vượt giá gói thầu được duyệt.
b) Kiểm tra cơ cấu các nguồn vốn thanh toán, tỷ lệ thanh toán từng nguồn vốn (đối với các dự án thanh toán nhiều nguồn vốn).
c) Đối với hồ sơ đề nghị thanh toán khối lượng hoàn thành.
- Việc kiểm soát thực hiện theo quy định tại Tiết a, Khoản 1, Điều 11 (Thanh toán khối lượng hoàn thành) Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ.
- Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư, các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, văn bản giao việc hoặc hợp đồng nội bộ (đối với trường hợp tự thực hiện dự án), số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, các điều kiện thanh toán và giá trị từng lần thanh toán để thanh toán vốn cho nhiệm vụ, dự án.
3.3. Trình tự thực hiện
Trình tự thực hiện theo quy định tại Tiết 2.2, Khoản 2, Điều 6 Quy trình này.
Lưu ý: Trường hợp sau khi kiểm soát, số vốn chấp nhận thanh toán có sự chênh lệch với số vốn đã thanh toán cho Chủ đầu tư, Giao dịch viên lập Thông báo kết quả kiểm soát thanh toán (Mẫu số 02/KSC ban hành kèm theo Quy trình này) và báo cáo Trưởng phòng trình Lãnh đạo KBNN ký gửi Chủ đầu tư thông báo về kết quả kiểm soát thanh toán và trừ vào những lẩn thanh toán tiếp theo (nếu số chấp nhận thanh toán nhỏ hơn số vốn đã thanh toán). Ngay lần đề nghị thanh toán tiếp theo của hợp đồng, Giao dịch viên thực hiện hướng dẫn Chủ đầu tư lập Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ để thực hiện giảm trừ thanh toán lần trước cho hợp đồng đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Trường hợp sau khi kiểm soát, hồ sơ pháp lý, hồ sơ tạm ứng, thanh toán đảm bảo hợp pháp, hợp lệ, số vốn được KBNN chấp nhận thanh toán không có sự chênh lệch với số vốn đã thanh toán cho Chủ đầu tư thì Giao dịch viên không phải lập Thông báo kết quả kiểm soát thanh toán gửi Chủ đầu tư, Giao dịch viên lập Tờ trình theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Quy trình này (ký và ghi đầy đủ họ và tên vào Tờ trình) và ghi rõ ngày, tháng, năm kiểm soát sau; ghi rõ kết quả kiểm soát sau. Đồng thời, trình Trưởng phòng xem xét, phê duyệt.
Theo đó, chậm nhất là 01 ngày làm việc kể từ khi Giao dịch viên nhận đủ hồ sơ và hồ sơ đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ theo quy định mà Chủ đầu tư phải gửi đến Kho bạc Nhà nước (nhận trực tiếp hoặc nhận qua dịch vụ công), Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoàn thành thủ tục thanh toán theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”.
“Thanh toán trước, kiểm soát sau” có phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện, và thời gian thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện và thời gian thực hiện “Kiểm soát trước, thanh toán sau” như thế nào?
Căn cứ Điều 7 Quy trình kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống kho bạc nhà nước Quyết định 890/QĐ-KBNN năm 2022 quy định về phạm vi, nội dung, trình tự thực hiện và thời gian thực hiện “Kiểm soát trước, thanh toán sau” như sau:
1. Phạm vi thực hiện “Kiểm soát trước, thanh toán sau”
Áp dụng đối với một số khoản chi ngoài phạm vi quy định tại Khoản 1, Điều 6 Quy trình này.
2. Nội dung thực hiện “Kiểm soát trước, thanh toán sau”
Giao dịch viên thực hiện kiểm soát hồ sơ theo quy định tại Tiết 3.1, Khoản 3, Điều 6 Quy trình này. Ngoài ra, Giao dịch viên thực hiện kiểm soát các nội dung sau, trình Trưởng phòng, Lãnh đạo KBNN xem xét, xử lý:
- Đối với các hợp đồng thi công xây dựng có quy định bảo hành công trình:
Việc kiểm tra bảo hành công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, theo đó việc bảo hành thực hiện theo quy định của hợp đồng. Giao dịch viên thực hiện kiểm tra, chấp nhận trên giấy đề nghị thanh toán vốn và chuyển tiền bảo hành công trình theo quy định của hợp đồng và theo đề nghị của Chủ đầu tư.
- Trường hợp cần tạm giữ chưa thanh toán cho nhà thầu một khoản tiền nhất định hoặc một tỷ lệ nhất định so với khối lượng hoàn thành để phục vụ công tác quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, Chủ đầu tư thỏa thuận với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng. Giao dịch viên căn cứ vào quy định của hợp đồng, thực hiện thủ tục chuyển khoản tạm giữ nêu trên vào tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý, thanh toán theo quy định.
- Đối với nhiệm vụ, dự án hoàn thành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán nhưng chưa được thanh toán đủ vốn theo giá trị phê duyệt quyết toán. Giao dịch viên căn cứ vào quyết định phê duyệt quyết toán được duyệt và vốn kế hoạch được giao trong năm của dự án để kiểm soát, thanh toán cho dự án.
3. Trình tự thực hiện
Trình tự thực hiện theo quy định tại Tiết 2.2, Khoản 2, Điều 6 Quy trình này.
4. Thời gian kiểm soát, thanh toán vốn: tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán của Chủ đầu tư theo quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, KBNN nơi giao dịch phải hoàn thành việc kiểm soát, thanh toán cho dự án.
Theo đó, tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán của Chủ đầu tư theo quy định tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, KBNN nơi giao dịch phải hoàn thành việc kiểm soát, thanh toán cho dự án.
Trách nhiệm của các đơn vị Kho bạc nhà nước trong kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống Kho bạc Nhà nước là gì?
Căn cứ Điều 9 Quy trình kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống kho bạc nhà nước Quyết định 890/QĐ-KBNN năm 2022 quy định về trách nhiệm của các đơn vị Kho bạc nhà nước trong kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống Kho bạc Nhà nước như sau:
1. Thủ trưởng các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nội dung của Quy trình này.
2. Quản lý, tổ chức phân công công chức làm công tác kiểm soát chi đảm bảo đúng quy định và phù hợp với thực tiễn của đơn vị.
3. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Quy trình này tại các đơn vị thuộc và trực thuộc.
Theo đó, Thủ trưởng các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nội dung của Quy trình này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có mấy nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
- Luật Phá sản mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn?
- 7 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Tháng 2 2025 có ngày lễ nào ở Việt Nam NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?