Việc thẩm định tại chỗ có nhất thiết phải có mặt của Ủy ban xã không?
Có nhất thiết phải có mặt của Ủy ban xã khi tiến hành thẩm định tại chỗ?
Tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định xem xét, thẩm định tại chỗ:
Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.
Theo thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ này thì khi tiến hành phải có mặt của:
- Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Công an xã, phường, thị trấn;
- Cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định.
Như vậy, khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ thì không nhất thiết phải có mặt đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong từng trường hợp cụ thể, có thể là đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc là Công an xã, phường, thị trấn hoặc Cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định.
Thẩm định tại chỗ (Hình từ Internet)
Tòa án quyết định thẩm định tại chỗ thì ai nộp tạm ứng chi phí thẩm định?
Tại khoản 2 Điều 156 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ:
Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ.
Theo quy định này thì có 03 đối tượng phải nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ khi Tòa án quyết định em xét, thẩm định tại chỗ:
- Nguyên đơn;
- Người yêu cầu giải quyết việc dân sự;
- Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm;
Biên bản thẩm định tại chỗ có được xem là chứng cứ nếu không có ký, đóng dấu của Ủy ban xã?
Theo khoản 7 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định xác định chứng cứ:
Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 101 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định về xem xét, thẩm định tại chỗ như sau:
1. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.
2. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
Theo như quy định này thì sau khi lập xong biên bản thẩm định tại chỗ, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.
Như vậy, ngoài Ủy ban nhân dân xã thì Công an xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định đều có thể ký tên và đóng dấu xác nhận vào biên bản thẩm định tại chỗ. Cho nên nếu Uỷ ban nhân dân xã không ký tên và đóng dấu xác nhận vào biên bản, mà có Công an xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định ký tên, đóng dấu thì biên bản thẩm định tại chỗ này vẫn có giá trị và cũng được xem là chứng cứ vì việc thẩm định này được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?