Có được bỏ tên cha trong giấy khai sinh của con khi cha mẹ đang ly thân không?
Cha mẹ đang ly thân thì có được bỏ tên cha trong giấy khai sinh của con không?
Hiện giấy khai sinh của con em đang có cả tên ba và mẹ. Nhưng do vợ chồng em ly thân em dự định ly hôn nên em đang muốn sửa đổi cải chính giấy khai sinh của con em thành không có tên ba nữa, chỉ để tên mẹ trên đó được không chị?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì:
Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch.
Điều 26 Luật này xác định phạm vi của hoạt động cải chính hộ tịch bao gồm:
- Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
- Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Đồng thời, Khoản 1, Khoản 2 Điều 17 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định:
- Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác.
- Sai sót trong đăng ký hộ tịch là sai sót của người đi đăng ký hộ tịch hoặc sai sót của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Kết hợp các quy định trên, ta thấy việc cải chính hộ tịch, cụ thể là họ tên cha, họ tên mẹ trên giấy khai sinh của con chỉ được thực hiện khi có sai sót trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh do cán bộ hộ tịch hoặc sai sót do người đi đăng ký khai sinh.
Trường hợp trước đây, tại thời điểm đăng ký khai sinh, các thông tin về cha, mẹ trên giấy khai sinh của con hoàn toàn chính xác thì chị không thể thực hiện thủ tục cải chính thông tin bỏ tên cha trên giấy khai sinh của con vì lý do cha mẹ ly thân.
Có thể đặt tên con theo họ của mẹ và không điền tên cha vào giấy khai sinh được không?
Vợ chồng em kết hôn năm 2017, có với nhau 1 đứa con. Sau khi làm xong thủ tục ly hôn nhưng em không đề cập đến việc hiện em đang mang thai. Việc thỏa thuận ly hôn chỉ có con chung là bé gái và do em nuôi dưỡng không cần trợ cấp từ bố. Em muốn hỏi sau khi em sinh cháu thứ 2 thì làm giấy khai sinh theo họ mẹ và bỏ trống thông tin người cha được không? Mong ban tư vấn hỗ trợ giúp em. Em cảm ơn ạ.
Trả lời:
Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định thủ tục đăng ký khai sinh như sau:
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch như sau:
Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Trong trường hợp của chị, pháp luật không quy định việc đặt tên con lấy theo họ cha (hoặc họ mẹ), nên khi khai báo để làm Giấy khai sinh cho con mình, chị có thể sử dụng họ mẹ để làm họ cho con mình.
Ở phần thông tin người cha, chị có thể để trống như quy định nêu trên.
Có được làm giấy khai sinh cho con ở nơi tạm trú của bố mẹ?
Vợ chồng tôi có hộ khẩu Hà Nội nhưng hiện làm việc ở TP Hồ Chí Minh, con tôi mới sinh có thể làm giấy khai sinh ở đây không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 quy định:
- Thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường, thị trấn - nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Bên cạnh đó căn cứ Điều 11 Luật cư trú 2020 quy định nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ và đã đăng ký thường trú.
Tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định như trên thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.
Theo đó, nếu bạn đã đăng ký tạm trú ở Tp Hồ Chí Minh thì bạn có thể khai sinh cho con tại UBND cấp xã, phường nơi bạn có sổ tạm trú.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?