Quy định về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030?

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030?  Liên quan đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, xin được hỏi về các thông tin trên.

Căn cứ Khoản 4 Điều 1 Quyết định 726/QĐ-TTg năm 2022 quy định nội dung trên như sau:

4. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

a) Nhóm giải pháp đột phá

- Hình thành các khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic:

+ Nghiên cứu, khuyến khích đầu tư hình thành các tổ hợp, khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistic thu hút các dự án sản xuất hóa chất, các dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp khác; tại các địa điểm có diện tích đủ lớn, xa khu vực dân cư, gần cảng nước sâu, thuận tiện kết nối giao thông; có đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dịch vụ, đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường, phát triển bền vững.

+ Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và xây dựng cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án này.

+ Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong khu công nghiệp hóa chất tập trung.

- Đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất

+ Đảm bảo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản, cao su theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các dự án ưu tiên tiếp cận được với chế độ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động...

+ Sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với dự án hóa chất: Đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, vùng lãnh thổ; các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường; các yêu cầu về áp dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh.

+ Tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác quản lý đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tỉnh cần lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành.

+ Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.

+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tính bền vững của hoạt động công nghiệp hóa chất.

b) Các giải pháp chung

- Đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển

+ Rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân.

+ Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các dự án chuyển giao công nghệ đồng thời đề xuất chính sách và lộ trình loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu; đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi cho các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu; chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp hóa chất tập trung; chính sách ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu phát triển ngành hóa chất; chính sách hỗ trợ di dời các nhà máy sản xuất hóa chất trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực hóa chất.

- Nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp

+ Thực hiện chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; chỉ khởi công các công trình, dự án đã đảm bảo đủ các điều kiện như mặt bằng, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực để triển khai; kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển ngành công nghiệp hóa chất, đặc biệt là những ngành ứng dụng công nghệ cao.

+ Củng cố và nâng cao vai trò hoạt động của các tổ chức Hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ; tăng cường tổ chức việc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để hợp tác cùng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

+ Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước; triển khai có hiệu quả các đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa, tổ chức sắp xếp doanh nghiệp, nghiên cứu hình thức tổ chức phù hợp cho các doanh nghiệp. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, cân đối, phân bổ vốn.

+ Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành hóa chất.

- Giải pháp về hợp tác liên kết

+ Tăng cường và đa dạng hóa các mối liên kết trong sản xuất; đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý.

+ Tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp hóa chất.

+ Xây dựng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp hóa chất có quy mô lớn mang tính liên Vùng nhằm làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của các Vùng khác.

- Chính sách thương mại và phát triển thị trường

+ Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng các loại nguyên liệu và bán thành phẩm mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng tốt, giá thành hợp lý; hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trung gian, các sản phẩm mà Việt Nam đủ năng lực sản xuất. Có cơ chế để giảm giá đầu vào đối với một số sản phẩm quan trọng, liên quan đến an ninh lương thực, an ninh, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng.

+ Đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm sản phẩm trên thị trường.

+ Có chính sách kết nối các ngành sản xuất khác với ngành công nghiệp hóa chất trên cơ sở phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, tiết giảm chi phí.

+ Mở rộng nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống, đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, tiềm năng đang phát triển.

+ Sản xuất các sản phẩm của công nghiệp hóa chất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường quốc tế; nghiên cứu mẫu mã, nắm bắt kịp thời xu thế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế.

+ Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử và kinh tế số trong khâu phát triển sản phẩm, sản xuất và marketing...

+ Tăng cường quản lý hoạt động thương mại và hệ thống phân phối chống tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

- Phát triển nguồn nhân lực

+ Xác định nhu cầu nhân lực của các phân ngành thuộc ngành hóa chất để có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn theo các cấp trình độ đáp ứng nhu cầu từng phân ngành trong từng thời kỳ, nhất là nhân lực chất lượng cao. Xây dựng cơ chế thu hút các nhà khoa học giỏi đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cả trong và ngoài nước, trọng tâm là chính sách tiền lương, môi trường làm việc và hỗ trợ về nhà ở, có nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và các điều kiện liên quan bảo đảm làm việc.

+ Tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có theo hướng tái sắp xếp, bố trí nhân sự một cách hiệu quả nhất. Hình thành quy hoạch nhân sự mới có chiều sâu đảm bảo tính kế thừa, phù hợp để phát huy tối đa tính sáng tạo trong môi trường kinh doanh mới.

+ Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp hóa chất (các trường đại học, cao đẳng nghề, trung cấp và các cơ sở giáo dục đào tạo khác), đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Mở rộng loại hình hợp tác lao động với nước ngoài và phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo phù hợp yêu cầu về lao động, nhất là liên kết với các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước để mở cơ sở đào tạo đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, tập trung ngành học phục vụ phát triển kinh tế tri thức, nhất là khoa học, công nghệ, dịch vụ.

- Phát triển khoa học công nghệ

+ Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ theo huớng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đào tạo của các viện nghiên cứu hóa chất để tạo nên các sản phẩm chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực cho các đơn vị tư vấn, thiết kế chuyên ngành hóa chất.

+ Cải tạo, bổ sung trang thiết bị, chống xuống cấp và nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa chất với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.

+ Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, cân đối hài hòa giữa hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển (R&D), từng bước chủ động nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ.

+ Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu; tìm kiếm, tiếp nhận, làm chủ các công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam trong ngành hóa chất.

- Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật

+ Hoàn thiện hạ tầng cho phát triển công nghiệp hóa chất đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng chung của cả nước, đặc biệt tập trung phát triển hệ thống logistic, kho chứa hóa chất.

+ Phát triển mạnh dịch vụ tư vấn đầu tư công nghiệp hóa chất...

- Giải pháp và chính sách tài chính

+ Điều chỉnh chính sách thuế kịp thời, hợp lý trong từng bối cảnh.

+ Khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa chất. Nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư bao gồm: vốn ngân sách, vốn vay tín dụng đầu tư phát triển nhà nước, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, vốn vay ODA, vay thương mại trong và ngoài nước, vốn FDI, vốn huy động thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

+ Tập trung, tích tụ nguồn lực tài chính cho các dự án trọng điểm. Hỗ trợ về vốn, quản lý tài chính để các dự án này sau khi hoàn thành đầu tư nhanh chóng phát huy hiệu quả sau đầu tư, khấu hao và trả nợ đúng quy định.

- Giải pháp về môi trường

+ Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Không cấp phép đầu tư các dự án hóa chất với công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng, mức tiêu thụ tài nguyên cao.

+ Khuyến khích và có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ các dự án công nghiệp hóa chất ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.

+ Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường kết hợp với xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

c) Một số giải pháp cụ thể theo các phân ngành

- Hóa chất cơ bản

+ Huy động vốn liên doanh, liên kết, đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, chế biến sâu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ưu tiên cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả vay vốn để đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

+ Ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu; nâng thuế nhập khẩu trong phạm vi cho phép đối với các loại thành phẩm và sản phẩm mà trong nước đã sản xuất được.

+ Nghiên cứu sử dụng nguyên liệu đất hiếm phục vụ sản xuất hóa chất cơ bản. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án sản xuất muối công nghiệp trong nước; đầu tư thiết bị công nghệ sản xuất muối công nghiệp đáp ứng yêu cầu cho sản xuất hóa chất như xút, sô đa,....

+ Đầu tư các xe sản xuất, nạp thuốc nổ di động nhằm tăng khả năng cơ giới hóa, đồng bộ hóa trong lĩnh vực khai thác mỏ; ưu tiên sử dụng và sản xuất kíp nổ điện tử tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, khí hậu, địa chất và số hóa khai thác; đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước về an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên cơ sở kiểm soát phương tiện kích nổ thông qua mã nhận dạng ID riêng biệt và quản lý bằng mã xử lý nhanh QR code.

- Hóa dầu

+ Sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên, khí đồng hành cho phát triển ngành hóa dầu để đẩy mạnh phát triển các hóa chất hữu cơ cơ bản thông qua các dự án hóa dầu;

+ Xây dựng và áp dụng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn khí cho các dự án hóa dầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nguồn nguyên liệu này và có cơ chế ưu đãi khuyến khích các dự án hóa dầu từ nguồn nguyên liệu thay thế như biomas, hydro xanh, hydro lam,... không từ nguồn nguyên liệu hóa thạch truyền thống.

- Các sản phẩm cao su

+ Tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển các sản phẩm cao su, đặc biệt là đầu tư nước ngoài có lợi thế về vốn và công nghệ tham gia vào sản xuất các sản phẩm đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao như săm ô tô, săm xe máy bằng cao su tổng hợp (cao su butyl), cao su thiên nhiên và các loại sản phẩm cao su kỹ thuật khác; nâng tỷ lệ sử dụng cao su tự nhiên trong các sản phẩm cao su.

+ Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế theo hướng cân đối giữa các nhóm sản phẩm, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước và xuất khẩu.

+ Áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu săm, lốp qua đường tiểu ngạch, kiểm soát việc kê khai giá nhập khẩu, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng đưa vào thị trường Việt Nam.

- Hóa dược

+ Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nguyên liệu thuốc kháng sinh và nguyên liệu hóa dược để sản xuất một số thuốc thiết yếu, các dự án phát triển sản xuất sản phẩm hóa dược từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên quý trong nước; đề xuất cơ chế thông thoáng hơn trong việc đưa các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa dược làm nguyên liệu cho bào chế thuốc chữa bệnh.

+ Khuyến khích chuyển giao công nghệ và hình thức liên doanh liên kết của các nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước để sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trong lĩnh vực hóa dược.

- Phân bón

+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón vô cơ, phân hạng các loại phân supe lân và NPK.

+ Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế ưu đãi cho các dự án chuyển đổi từ phân supe lân đơn sang supe lân giàu; dự án sản xuất phân kali, phân SA và các dự án chuyển đổi thay thế nguồn nguyên liệu sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên.

+ Nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ, quy trình để xử lý bã gyps của các nhà máy sản xuất DAP đảm bảo yêu cầu làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp.

- Hóa chất bảo vệ thực vật

+ Ưu đãi thuế nhập khẩu đối với những loại nguyên liệu mà trong nước chưa sản xuất được như: Hoạt chất gốc cacbamat, hoạt chất họ azole và dẫn xuất, hoạt chất nhóm pyrethroide, validamycin,...; ưu đãi thuế nhập khẩu đối với máy móc trong nước chưa sản xuất được, nhập khẩu để phục vụ sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật.

+ Ưu tiên phát triển các dự án hóa chất áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường như: Các hoạt chất mới từ vi sinh vật và các hoạt chất được chiết tách từ thực vật.

+ Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu cho sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật như hoạt chất, dung môi, chất hoạt động bề mặt (chất nhũ hóa, chất phân tán, chất thẩm nước, chất tạo bọt...).

- Sơn - mực in

+ Ưu tiên khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư chủng loại sản phẩm như các sản phẩm sơn đặc chủng có giá trị gia tăng cao theo công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, có chính sách ưu đãi phát triển ngành sơn bột tĩnh điện, ngành sơn gỗ gốc nước hoặc sơn gỗ với hàm lượng hỗn hợp các chất hữu cơ độc hại bay hơi nhanh (VOC) dưới 50%.

+ Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm.

+ Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu và tái sử dụng các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.

- Chất tẩy rửa

+ Xây dựng, thực hiện các đề tài nghiên cứu phát triển sản phẩm chất tẩy rửa mới, đặc biệt là các sản phẩm thân thiện môi trường.

+ Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất sản phẩm chất tẩy rửa và một số nguyên liệu.

- Khí công nghiệp

+ Ưu tiên phát triển các dự án áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu.

+ Ưu tiên phát triển sản xuất các khí hiếm Xe, Kr,... khí đặc biệt, khí hiệu chuẩn phục vụ các ngành kinh tế kỹ thuật cao; sản xuất khí hydro từ nguồn năng lượng tái tạo.

- Nguồn điện hóa học

+ Thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất các sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, đặc biệt là các loại ắc quy phục vụ cho chương trình nội địa hóa ôtô, xe máy, ắc quy cho các trạm nguồn của viễn thông, cho các loại ôtô đặc chủng.

+ Tiếp tục duy trì sản xuất, phát triển các thương hiệu hiện có, gia tăng và tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

+ Đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án sản xuất các sản phẩm pin-ắc quy công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

358 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào