Có được nhận nuôi hai con nuôi cùng lúc hay không? Thủ tục nhận nuôi con và nhập quốc tịch cho con riêng của vợ

Có được nhận nuôi hai con nuôi cùng lúc không? Thủ tục nhận nuôi con và nhập quốc tịch cho con riêng của vợ? Nhận nuôi con nuôi có cần hỏi ý kiến của cha, mẹ đẻ của đứa bé không?

Có được nhận nuôi hai con nuôi cùng lúc không?

Vợ chồng tôi hiếm muộn nên muốn nhận con nuôi, và cụ thể là muốn nhận luôn cả 2 con cùng một lúc. Vợ chồng tôi không biết là có được nhận nuôi hai con một lần không? Và khi nghỉ thai sản thì có được nghỉ 7 tháng như sinh đôi không? Mong Ban biên tập tư vấn giúp, xin cảm ơn rất nhiều

Trả lời:

Điều 13 và Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định như sau:

Điều 13. Các hành vi bị cấm

1. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.

2. Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.

3. Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.

4. Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.

5. Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

6. Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.

7. Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này.

Căn cứ theo các quy định nêu trên thì pháp luật không cấm cũng như hạn chế số lượng con nhận làm con nuôi/lần, do đó nếu Anh/Chị đáp ứng được các điều kiện về nhận nuôi con nuôi và không thuộc các hành vi bị cấm thì Anh/Chị hoàn toàn có thể nhận nuôi hai con cùng lúc.

Về chế độ thai sản khi nhận nuôi hai còn cùng lúc:

Theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

Nếu Anh/Chị thỏa mãn đủ điều kiện theo các quy định trên thì được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Hiện tại, pháp luật không có quy định nào nói về việc chế độ thai sản được nghỉ thêm 01 tháng cho trường hợp nhận hai con nuôi cùng một lúc.

Thủ tục nhận nuôi con và nhập quốc tịch cho con riêng của vợ

Tôi là công dân Việt Nam lấy vợ nước ngoài vợ của tôi có con ngoài dã thú vậy tôi có thể nhận con của vợ tôi làm con nuôi và xin nhập quốc tịch Việt Nam không?

Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp bạn sẽ thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật nuôi con nuôi 2010  “Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi”.

Điều kiện để bạn nhận con của vợ bạn làm con nuôi được quy định tại Khoản 2 Điều 29 luật này dẫn chiếu đến Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 thì bạn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên.

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.

- Có tư cách đạo đức tốt.

Đáp ứng được các điều kiện trên thì bạn có thể nhận con của vợ bạn thành con nuôi của bạn. Ngoài ra, khi nhận con riêng của vợ bạn làm con nuôi thì cần phải có sự đồng ý của bố đẻ của trẻ, nếu trẻ trên 9 tuổi phải có sự đồng ý của trẻ.

Về vấn đề nhập quốc tịch Việt Nam của con nuôi của bạn sau khi hoàn thành thủ tục nhận nuôi con nuôi và được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì được quy định tại Khoản 3 và 4  Điều 37 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 như sau:

- Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi và được miễn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

- Sự thay đổi quốc tịch của con nuôi từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó.

Do đó khi là con nuôi của bạn thì có thể xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện nhập quốc tich theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2010 trong trường hợp con bạn từ đủ 15 đến 18 thì phải có sự đồng ý của con bạn. Trong trường hơp con bạn đã trưởng thành thì việc xin nhập quốc tịch Việt Nam phải đáp ứng theo quy định đối với các trường hợp bình thường khác.

Nhận nuôi con nuôi có cần hỏi ý kiến của cha, mẹ đẻ của đứa bé không?

Hiện tại tôi muốn nhận nuôi con nuôi một bé trai, mà đang được mẹ đẻ chăm sóc, vì điều kiện không tốt nên người đó muốn người khác nhận con mình làm con nuôi, tôi muốn biết khi làm thủ tục nhận nuôi con nuôi, thì có cần hỏi ý kiến mẹ đẻ không? Chồng người đó mất cách đây 2 năm.

Trả lời:

Căn cứ Khoản 1 Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định như sau:

Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Như vậy, người nhận nuôi con nuôi cần phải được sự đồng ý của mẹ đẻ đứa bé trong trường hợp nêu trên.

Trân trọng!

Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

501 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào