Nộp đơn xin ly hôn đơn phương ở đâu? Chồng không chịu ra tòa thì có ly hôn được hay không?
Nộp đơn xin ly hôn đơn phương ở đâu?
Em hiện đang sống cùng chồng con tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, cả hai vợ chồng đều là công nhân. Tuy nhiên chồng em không lo chí thú làm ăn như người ta mà suốt ngày nhậu nhẹt và đánh đạp mẹ con em, hiện tại mẹ con em đang sống rất vất vả. Nay em muốn nộp đơn xin ly hôn với chồng em thì nộp ở đâu ạ?
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ chồng trong quá trình chúng sống với nhau nếu đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì có thể yều cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Trong đó, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Ly hôn được phân thành hai hình thức cụ thể như sau:
- Thuận tình ly hôn;
- Ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Đối với từng hình thức lý hôn cụ thể mà phương thức, cách thức giải quyết ly hôn tại Tòa án có sự khác nhau rõ rệt theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 trong đó bao gồm bước nộp đơn xin ly hôn, mà cụ thể là xác định Tòa án để nộp đơn ly hôn cho chính xác, tránh mất thời gian của các bên.
Trong đó:
(1) Đối với trường hợp thuận tình ly hôn
Nếu vợ chồng thật sự tự nguyện ly hôn thì nộp đơn xin ly hôn (đơn phải có chữ ký xác nhận của cả hai vợ chồng) tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ hoặc chồng đang cư trú để được giải quyết theo thẩm quyền.
Khi đó, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
(2) Đối với trường hợp ly hôn theo yêu cầu của một bên
Nếu một bên vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì vợ hoặc chồng có thể nộp đơn xin ly hôn đơn phương (đơn phải có chữ ký xác nhận của người nộp đơn) tại Tòa án nơi người còn lại đang cư trú (có thể là nơi thường trú hoặc là nơi tạm trú) để được giải quyết theo thẩm quyền.
Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì bạn hiện đang sống cùng chồng con tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, cả hai vợ chồng đều là công nhân. Tuy nhiên chồng bạn không lo chí thú làm ăn như người ta mà suốt ngày nhậu nhẹt và đánh đạp mẹ con bạn, hiện tại mẹ con bạn đang sống rất vất vả - ở đây có dấu hiệu của hành vi bạo lực gia đình.
Do đó: Bạn có thể trình báo với Ủy ban nhân dân phường nơi bạn đang cư trú tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh để nhờ chính quyền can thiệp giải quyết dứt điểm đối với hành vi vi phạm pháp luật của chồng bạn.
Trường hợp đời sống hôn nhân giữa bạn và chồng đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và bạn không thể chịu đựng được nữa và muốn ly hôn, thì bạn có thể nộp đơn xin ly hôn đơn phương đến Tòa án nhân dân quận Tân Bình để được giải quyết theo thẩm quyền.
Chồng không chịu ra tòa thì có ly hôn được không?
Xin chào quý anh chị trong Ban biên tập! Tôi có vấn đề thắc mắc mong được anh chị giải đáp giúp. Chị Hoa lấy chồng năm 2016. Trong thời gian chung sống, chồng chị thường xuyên say xỉn rồi chửi bới, đánh đập chị. Chị muốn ly hôn nhưng người chồng không chịu ra tòa, còn bảo chị sẽ không bỏ anh ta được nếu anh ta không ra tòa. Anh ta nói vậy có đúng không? Có cách nào mà chồng không ra tòa nhưng chị Hoa vẫn ly hôn được không. Rất mong nhận được phản hồi từ anh chị. Xin cảm ơn và kính chúc sức khỏe!
Trả lời:
Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn. Việc cho ly hôn này căn cứ việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tòa án sẽ căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật khi có đủ các điều kiện sau:
- Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Như vậy, chị Hoa có quyền đơn phương ly hôn và nộp đơn lên tòa án yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp chồng chị không hợp tác, không đến tòa để giải quyết việc ly hôn thì sẽ giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 238 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 nêu trên.
Do đó, nếu đã triệu tập người chồng đến lần thứ hai mà anh ta vẫn vắng mặt không có lý do thì Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết vụ việc ly hôn giữa hai người theo quy định của pháp luật.
Chuyển nhượng bất động sản sau khi ly hôn
Xin chào anh chị! Tôi có thắc mắc như sau nhờ anh chị tư vấn. Anh Đức và chị Hoa kết hôn năm 2013. Trong thời gian hôn nhân, anh Đức có mua một căn nhà và giấy tờ căn nhà chỉ đứng tên anh. Năm 2018, anh Đức và chị Hoa ly hôn, anh đã trả cho chị giá trị của nửa căn nhà đó. Hiện giờ anh Đức muốn bán căn nhà đi mà không cần có sự đồng ý của chị Hoa được không? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì vợ chồng có thể tự thỏa thuận với nhau về việc phân chia tài sản khi ly hôn.
Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng như sau:
Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.
Căn cứ vào điều này thì việc định đoạt tải sản chung của vợ chồng là bất động sản phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Đối với trường hợp của anh Đức và chị Hoa, 2 anh chị kết hôn năm 2013. Trong thời kì hôn nhân anh Đức mua nhà có đứng tên riêng anh. Nếu không có bất kỳ sự thỏa thuận nào bằng văn bản thì ngôi nhà này sẽ là tài sản chung của vợ chồng. Năm 2018, anh Đức chị Hoa ly hôn và anh Đức đã trả cho chị Hoa giá trị một nửa căn nhà theo thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận này chỉ bằng miệng, không có văn bản thỏa thuận nào được công chứng, chứng thực thì bây giờ nếu anh Đức muốn bán căn nhà, phải có chữ ký hoặc giấy ủy quyền của chị Hoa.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?