Trong trường hợp con chưa thành niên có được tự mình xác lập, phân chia di sản thừa kế hay không?
Trong trường hợp con chưa thành niên có được tự mình xác lập, phân chia di sản thừa kế?
Bà Lê Ngân chồng mất đã lâu, sống cùng 3 người con. Sau khi chồng mất bà ở vậy nuôi con và tự tạo dựng được 06 mảnh đất. Vì là đất phân lô bán nền nên 06 mảnh đất có cùng diện tích và vị trí sát cạnh nhau. Thời gian gần đây, bà Ngân bị bệnh nặng, bác sĩ cho rằng không thể sống qua 01 tháng nữa. Bà Ngân lập di chúc và muốn để lại cho 03 người con 06 mảnh đất trên. Trong 03 người con chỉ có 01 người dưới 18 tuổi (hiện đang 13 tuổi) tên Khanh. Xin hỏi, bà Ngân có thể để lại di sản cho người con dưới 18 tuổi được không? Mong Ban biên tập tư vấn về trường hợp này.
Trả lời: Theo thông tin đã cung cấp ở trên, việc để lại di chúc chia di sản của bà Ngân gặp vướng mắc trong việc để lại di sản cho người con út chưa thành niên. Theo quy định của pháp luật tại Điều 20 Bộ luật dân sự 2015, người chưa thành niên có hạn chế về quyền dân sự như sau:
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Như vậy, người chưa thành niên không thể tự mình xác lập, phân chia tài sản thừa kế được mà phải thông qua người đại diện theo pháp luật. Từ đó phải xác định người đại diện theo pháp luật của người con chưa thành niên, căn cứ Điều 136 quy định về người đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:
- Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
- Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
- Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
- Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Do cha của Khanh đã mất và mẹ của Khanh là người để lại di chúc không phù hợp là người đại diện theo pháp luật của Khanh (do bà Ngân là người để lại di sản và được bác sĩ cho rằng không thể sống qua 01 tháng nữa). Với lý do này, người đại diện theo pháp luật của Khanh phải được xác định theo người giám hộ. Căn cứ Khoản 1 Điều 52 Bộ luật dân sự 2015 về người giám hộ đương nhiên như sau:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.
Như vậy, 02 người anh chị của Khanh được xác định là người giám hộ đương nhiên của Khanh, có thể giúp Khanh xác lập, phân chia tài sản thừa kế. Đồng thời việc giám hộ này chỉ được thực hiện sau khi bà Ngân đã mất theo quy định tại Điều 47 Bộ luật dân sự 2015 về người được giám hộ. Khanhhi đó tài sản của Khanh sẽ được quản lý và sử dụng phục vụ cho mục đích của Khanh bởi người giám hộ là 1 trong 2 người anh chị.
Đã từ chối nhận di sản thừa kế có thể lấy lại tài sản đó không?
Ông Minh vợ mất đã lâu. Sau khi vợ mất, ông làm ăn và mua được 01 căn nhà và 01 mảnh đất: 1 mảnh đất Thành phố.Hồ Chí Minh, 1 căn ở Đà Lạt. Ông có 02 người con là Thanh và An. Khi ông mất, ông muốn chia đều 02 tài sản trên cho 02 người con nhưng không lập di chúc. Thanhuy nhiên theo thỏa thuận Thanh sẽ nhận căn nhà ở Đà Lạt có giá trị thấp hơn nhiều so với mảnh đất ở Thành phố Hồ Chí Minh và đã công chứng từ chối nhận phần chênh lệch giá trị của căn nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh so với căn nhà ở Đà Lạt. Mảnh đất ở Tp.Hồ Chí Minh được để lại cho An theo thỏa thuận. Thanh và An thỏa thuận sẽ cùng nhau xây dãy phòng trọ cho thuê trên mảnh đất ở Thành phố.Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, do mâu thuẫn phát sinh, Thanh yêu cầu chia lại di sản thừa kế. Xin hỏi, việc Thanh đòi chia lại di sản thừa kế có phù hợp với quy định của pháp luật không? Nếu không, liệu Thanh có nhận lại được phần chênh lệch hoặc phần tiền mình đã bỏ ra xây dựng trên mảnh đất ở Tp.Hồ Chí Minh không?
Trả lời: Dựa theo nội dung đã được cung cấp, mặc dù không có di chúc để lại nhưng có thể xác định được rằng tài sản thừa kế đã được phân chia theo thỏa thuận, phù hợp với nguyên tắc của Bộ luật dân sự 2015 được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Đồng thời việc Thanh công chứng văn bản từ chối nhận phần chênh lệch trong di sản thừa kế được pháp luật công nhận căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 620 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
Do đó, khi đã xác lập, phân chia thừa kế theo thỏa thuận thì Thanh không thể yêu cầu tòa án phân chia lại tài sản trên. Tuy nhiên tài sản gắn liền với đất lại không thuộc di sản thừa kế do phát sinh sau thời điểm mở thừa kế, căn cứ theo Khoản 1 Điều 611 quy định về thời điểm mở thừa kế:
- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.
Như vậy, Thanh có thể yêu cầu tòa án xét xử nhằm xác định phần đóng góp của mình đối với tài sản gắn liền với đất là dãy nhà trọ và yêu cầu An hoàn trả lại phần đóng góp này.
Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế lập sau khi chia thừa kế có được công nhận?
Anh trai tôi có vợ và không có con. Chúng tôi chỉ còn cha. Anh tôi bị đột quỵ qua đời, không để lại di chúc. Tài sản được phân chia cho cha và chị dâu tôi. Sau khi phân chia tài sản, cả 02 cùng đứng tên trên mảnh đất là di sản thừa kế duy nhất anh tôi để lại. Mảnh đất này do anh tôi mua trước khi cưới chị dâu. Sau khi phân chia di sản thừa kế, chị dâu tôi thuyết phục cha công chứng văn bản từ chối nhận di sản thừa kế và cha tôi làm theo. Sau này xảy ra mâu thuẫn, chị tôi đòi bán mảnh đất trên và sẽ lấy tất cả tiền bán đất đi định cư nước ngoài. Xin hỏi, tài sản của anh tôi chỉ chia cho cha tôi và chị dâu có đúng không, khi anh tôi không để lại di chúc? Về việc bán mảnh đất, chị tôi làm vậy có đúng với quy định của pháp luật? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi.
Trả lời: Căn cứ theo Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 về những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Do đó, có thể xác định việc chia di sản do anh trai bạn để lại sẽ được xác định là thừa kế theo pháp luật. Từ đó có thể xác định những người được quyền nhận thừa kế theo pháp luật tại quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 về những người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy việc di sản thừa kế được chia cho cha bạn và chị dâu là đúng với quy định của pháp luật.
Xét về việc cha bạn lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế sau khi đã phân chia. Quy định của Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 về từ chối nhận di sản thừa kế như sau:
- Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
- Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
- Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.
Như vậy, cha bạn là người có quyền từ chối nhận di sản thừa kế và lập văn bản về việc từ chối này. Nhưng quy định của luật còn nêu rõ, việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản, trong khi đó văn bản cha bạn công chứng tại thời điểm di sản đã được phân chia xong. Từ đó xác định được rằng việc cha bạn lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế như nội dung bạn cung cấp sẽ không được công nhận theo quy định của pháp luật. Và việc bán mảnh đất trên phải có sự đồng ý của cha bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?