Hỏi về bồi thường tai nạn giao thông gây chết người
Tôi xin giải đáp các thắc mắc của anh chị các vấn đề liên quan đến việc bồi thường thiệt hại này như sau:
Thứ nhất: Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm phát sinh kể từ thời điểm bố của anh chị bị xe ô tô chở khách gây tai nạn, dẫn đến hậu quả chết người.
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự, phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ; Khoản 3 điều 623 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Trong trường hợp của gia đình anh chị, thiệt hại chết người xảy ra không phải hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại cũng như không phải trường hợp bất khả kháng hay tình thế cấp thiết thì chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng chiếc ô tô gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng người khác dù có lỗi hay không.
Thứ hai: Các thiệt hại phải bồi thường do xâm phạm tính mạng người khác
Theo quy định tại điều 610 Bộ luật Dân sự, người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường các thiệt hại:
1. Thiệt hại về vật chất bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ bồi thường tiền cấp dưỡng được quy định tài điều 612- Bộ luật Dân sự như sau:
- Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
- Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.
2. Thiệt hại về tinh thần: Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Thứ ba: Người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Theo quy định tại điều 623- Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại mục 2 phần III- Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 7 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thể thỏa thuận với nhau về việc ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và người chiếm hữu, sử dụng không thỏa thuận được về người có trách nhiệm bồi thường hoặc thỏa thuận này trái pháp luật hoặc nhằm mục đích trốn tránh việc bồi thường thì đối tượng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được xác định như sau:
1. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (ở đây là chủ sở hữu của xe ô tô gây tai nạn) có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp:
- Nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho người khác trong khi Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. (Ví dụ: Chủ sở hữu xe ô tô trực tiếp điều khiển ô tô và gây tai nạn làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản… của người khác thì chủ sở hữu xe ô tô phải bồi thường thiệt hại)
- Nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại trong khi chủ sở hữu không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật (Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không được phép lái xe ô tô (không có bằng lái xe, đang sử dụng rượu bia, chất kích thích…) nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.)
- Nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại trong khi người đang quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hợp pháp (Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn nhưng B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó. A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A là chủ sở hữu xe phải bồi thường thiệt hại.)
2. Người không phải chủ sở hữu nhưng đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp
- Việc chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là hợp pháp: Người này được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. (Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp. B lái xe ô tô tham gia giao thông gây tai nạn thì B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường.)
- Việc chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ: Người chiếm hữu, sử dụng trái phép nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật)
3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp và người đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật).
Thứ tư. Thủ tục khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp về bồi thường thiệt hại.
Gia đình anh chị có thể thỏa thuận với người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về các vấn đề liên quan đến mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận được thì gia đình anh chị có quyền gửi đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Một số lưu ý về thủ tục khởi kiện:
1. Thời hiệu khởi kiện: Căn cứ theo điểm a khoản 3 điều 159 - Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án tranh chấp dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết: căn cứ theo Điều 25, Điều 33 và Điều 35- Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã nơi bị đơn cư trú, làm việc.
3. Bị đơn trong vụ án này là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tùy theo từng trường hợp như đã phân tích ở trên./.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?