Hoạt động về cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán?
Căn cứ Điều 156 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định hoạt động về cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam như sau:
- Đối với hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán
+ Tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm;
+ Thiết lập, vận hành hệ thống quản trị rủi ro và xây dựng cơ chế bảo đảm thanh toán cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán;
+ Quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ bù trừ để đảm bảo cho việc thanh toán giao dịch chứng khoán; yêu cầu thành viên bù trừ ký quỹ, xác định, điều chỉnh mức ký quỹ và danh mục tài sản được chấp nhận ký quỹ;
+ Thiết lập hệ thống bảo đảm việc quản lý tách biệt tài khoản, tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với tài khoản, tài sản của thành viên bù trừ; tách biệt tài khoản, tài sản của từng thành viên bù trừ; tách biệt tài khoản, tài sản của thành viên bù trừ và các khách hàng của chính thành viên bù trừ; tách biệt tài khoản và tài sản ký quỹ bù trừ với thị trường chứng khoán phái sinh; cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, tài sản ký quỹ bù trừ cho thành viên bù trừ và khách hàng;
+ Từ chối thế vị đối với các giao dịch bán chứng khoán khi chưa sở hữu không đúng quy định của pháp luật, giao dịch của thành viên bù trừ và thành viên giao dịch không bù trừ ủy thác bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán qua thành viên bù trừ thực hiện sau khi đề nghị Sở giao dịch chứng khoán đình chỉ hoạt động giao dịch của các thành viên này và các giao dịch không hợp lệ khác theo quy định của Bộ Tài chính;
+ Đề nghị Sở giao dịch chứng khoán đình chỉ giao dịch đối với thành viên giao dịch là thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán và thành viên giao dịch không bù trừ ủy thác bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán qua thành viên bù trừ đó;
+ Chỉ chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ, cam kết đối với thành viên bù trừ và không chịu trách nhiệm với bên thứ ba trong hoạt động bù trừ giao dịch chứng khoán. Là chủ nợ đối với các khoản phải thu của thành viên bù trừ bị giải thể, phá sản, được ưu tiên phân chia tài sản theo quy định pháp luật về giải thể, phá sản;
+ Sử dụng, bán, chuyển giao chứng khoán hiện có, chứng khoán chờ về từ các giao dịch mua trước đó trên các tài khoản tự doanh, tạo lập thị trường của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán tiền, chứng khoán chờ về từ các giao dịch mua thiếu tiền trước đó trên tài khoản của nhà đầu tư mất khả năng thanh toán tiền để hoàn trả các nguồn hỗ trợ đã sử dụng và bù đắp các chi phí phát sinh có liên quan;
+ Trong trường hợp không thể bán, sử dụng, chuyển giao chứng khoán hiện có, chứng khoán chờ về theo quy định tại điểm h khoản này hoặc số tiền thu được từ việc bán, sử dụng, chuyển giao không đủ để hoàn trả các nguồn hỗ trợ và bù đắp các chi phí phát sinh liên quan, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam được sử dụng tiền thu được từ các giao dịch bán chứng khoán khác, hoạt động thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán của chính thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán tiền để hoàn trả và bù đắp;
+ Chỉ định thành viên bù trừ khác thực hiện giao dịch đối ứng đối với các giao dịch của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán;
+ Chỉ định thành viên bù trừ thay thế để hoàn tất các nghĩa vụ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán; được chuyển giao dịch chứng khoán chưa hoàn tất thanh toán và tài sản liên quan đến giao dịch đó tới thành viên bù trừ thay thế để hoàn tất các nghĩa vụ của thành viên bù trừ;
+ Sử dụng, bán, chuyển giao tài sản ký quỹ bù trừ của thành viên bù trừ, nhà đầu tư mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán, tài sản đóng góp quỹ bù trừ của thành viên bù trừ và nguồn vốn hợp pháp của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện các nghĩa vụ của thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán và bù đắp các thiệt hại tài chính của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam phát sinh từ các giao dịch chứng khoán mất khả năng thanh toán theo quy định pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
+ Thiết lập hệ thống tài khoản thanh toán giao dịch chứng khoán tách biệt với hệ thống tài khoản ký quỹ bù trừ;
+ Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật để thực hiện việc thanh toán giao dịch chứng khoán và kết nối với hệ thống của Ngân hàng thanh toán để đảm bảo hoàn tất việc thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định khoản 2 Điều 63 Luật Chứng khoán;
+ Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác liên quan đến bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật.
- Đối với hoạt động quản lý thành viên bù trừ và quỹ bù trừ
+ Chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên bù trừ, đình chỉ hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán của thành viên bù trừ;
+ Kiểm tra, giám sát thành viên bù trừ trong việc duy trì điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật và quy chế liên quan đến hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán;
+ Yêu cầu thành viên bù trừ giải trình, cung cấp tài liệu và thông tin liên quan trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường trong bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán hoặc có dấu hiệu nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán giao dịch chứng khoán không có khả năng khắc phục;
+ Quản lý quỹ bù trừ; yêu cầu thành viên bù trừ đóng góp quỹ bù trừ.
- Trích 5% doanh thu hàng năm từ hoạt động nghiệp vụ đăng ký, lưu ký bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán để lập quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ để xử lý rủi ro trong quá trình xử lý các nghiệp vụ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Khoản trích lập này được tính vào chi phí của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam khi xác định thu nhập chịu thuế. Tổng mức trích quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ lũy kế không quá 30% vốn điều lệ của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng ngừa rủi ro nghiệp vụ.
- Báo cáo, kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vi phạm của thành viên bù trừ, các biện pháp xử lý, khắc phục sự cố, biến động ảnh hưởng đến hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, các báo cáo khác theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu bất thường trong hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?