Quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong vụ án dân sự về quyền sở hữu trí tuệ
Quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong vụ án dân sự về quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Mục IIIB Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP như sau:
1. Các tranh chấp dân sự về quyền sở hữu trí tuệ là một trong các loại tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, nguyên đơn, bị đơn có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 của Bộ luật tố tụng dân sự và quy định tại Điều 203 của Luật sở hữu trí tuệ.
1.1. Do tính chất đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ, tuỳ từng loại tranh chấp và yêu cầu cụ thể, nguyên đơn thực hiện quyền và nghĩa vụ chứng minh như sau:
a) Nguyên đơn chứng minh mình là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 203 của Luật sở hữu trí tuệ và quy định tại Điều 24 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.
b) Đối với trường hợp tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, để chứng minh quyền sở hữu trí tuệ của mình bị xâm phạm, nguyên đơn phải cung cấp các chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định tại khoản 3 Điều 203 của Luật sở hữu trí tuệ và quy định tại Điều 25 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.
c) Khi xem xét có hay không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà nguyên đơn khai trong đơn khởi kiện, Toà án căn cứ vào quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 130 của Luật sở hữu trí tuệ quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp. Đồng thời phải áp dụng các quy định tại Chương II từ Điều 5 đến Điều 15 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP để xác định yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đặc thù của quyền sở hữu trí tuệ, trong một số trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ mà không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Toà án tuỳ đối tượng sở hữu trí tuệ cụ thể mà căn cứ vào quy định tại các Điều 25, 26, 32 và 33, các khoản 2 và 3 Điều 125, 133 và 134 của Luật sở hữu trí tuệ để xác định có hay không có hành vi xâm phạm.
1.2. Theo quy định tại khoản 4 Điều 203 của Luật sở hữu trí tuệ, thì đối với vụ kiện về xâm phạm quyền đối với sáng chế là quy trình sản xuất sản phẩm, thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về bị đơn. Bị đơn phải chứng minh sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình được bảo hộ trong các trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều 203 của Luật sở hữu trí tuệ. Toà án yêu cầu bị đơn xuất trình chứng cứ chứng minh họ không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế của nguyên đơn.
2. Nguyên đơn có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định buộc bên kiểm soát chứng cứ phải đưa ra chứng cứ đó theo quy định tại khoản 5 Điều 203 của Luật sở hữu trí tuệ và quy định tại Điều 94 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại mục 8 Phần IV của Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP
ngày 17-9-2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về “Chứng minh và chứng cứ”.
3. Nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại đã xảy ra đối với mình; phải xuất trình các chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra (các loại thiệt hại, trong mỗi loại thiệt hại bao gồm các tổn thất gì....) và nêu cụ thể các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 205 của Luật sở hữu trí tuệ.
Trên đây là nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong vụ án dân sự về quyền sở hữu trí tuệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Ngày 4 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 4/2/2025 là mùng mấy tết?
- Ngày 6 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Ngày 6/2/2025 là mùng mấy tết?
- Tổng hợp mẫu quyết định bổ nhiệm chuẩn nhất cho mọi chức vụ năm 2025?
- Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 01/7/2025?