Yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nhiều điểm khác biệt so với chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung. Nhưng tôi vẫn chưa rõ lắm, mong Ban biên tập giải thích việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định như thế nào? Xin chân thành cảm ơn rất nhiều Tấn (0907***)

Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 1 Mục IB Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP như sau:

1. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần

1.1. Thiệt hại về vật chất bao gồm:

a) Các tổn thất về tài sản;

b) Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận;

c) Tổn thất về cơ hội kinh doanh;

d) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.

1.2. Thiệt hại về tinh thần bao gồm:

Các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

1.3. Thiệt hại về vật chất và tinh thần là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và được xác định theo các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP. Khi áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, cần phân biệt một số điểm sau đây:

Chỉ được coi là có tổn thất thực tế nếu có đầy đủ ba căn cứ sau đây:

a) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại.

Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả (sản phẩm) của quyền sở hữu trí tuệ và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó.

b) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích vật chất hoặc tinh thần.

Người bị thiệt hại có thể đạt được (thu được) lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong Điều kiện nhất định, nếu không có hành vi xâm phạm xảy ra.

c) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó; cụ thể là:

Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần. Sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm và giữa hành vi xâm phạm và sự giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả. Sự giảm sút, mất lợi ích đó là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.

1.4. Tổn thất về tài sản được xác định theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.

Khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường về tổn thất về tài sản, thì phải nêu rõ giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đó.

Ví dụ: Nếu yêu cầu bồi thường tổn thất về tài sản do nhãn hiệu bị xâm phạm, thì nêu rõ giá trị của nhãn hiệu đó tại thời điểm bị xâm phạm và căn cứ để xác định giá trị của nhãn hiệu.

1.5. Giảm sút về thu nhập, lợi nhuận được xác định theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP .

Để xác định giảm sút về thu nhập, lợi nhuận của người bị thiệt hại, thì phải xác định được họ có thu nhập, lợi nhuận trước khi xảy ra hành vi xâm phạm hay không.

a) Thu nhập, lợi nhuận bao gồm:

a.1) Thu nhập, lợi nhuận mà người bị thiệt hại thu được do sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

Ví dụ: Chủ sở hữu sáng chế sản xuất sản phẩm được bảo hộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 124 của Luật sở hữu trí tuệ và bán sản phẩm đó thu lợi nhuận.

a.2) Thu nhập, lợi nhuận mà người bị thiệt hại thu được do cho thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (là bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính).

Ví dụ: Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh hoặc chương trình máy tính thực hiện quyền tài sản quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính và được nhận tiền thù lao, các quyền lợi vật chất khác của tổ chức, cá nhân được thuê tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính đó.

a.3) Thu nhập, lợi nhuận mà người bị thiệt hại thu được do chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

Ví dụ: Chủ sở hữu sáng chế ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng sáng chế cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng sáng chế và được nhận khoản tiền chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo thoả thuận.

b) Trên cơ sở thu nhập, lợi nhuận đã xác định được của người bị thiệt hại, cần xác định mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận của họ theo một hoặc các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP .

Ví dụ: Nếu thu nhập, lợi nhuận thu được do sử dụng, khai thác trực tiếp quyền sở hữu trí tuệ, thì so sánh trực tiếp mức thu nhập, lợi nhuận thực tế trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm đã xác định được để làm rõ mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận của người bị thiệt hại. Nếu thu nhập, lợi nhuận của người bị thiệt hại, sau khi xảy ra hành vi xâm phạm thấp hơn thu nhập, lợi nhuận trước khi xảy ra hành vi đó, thì khoản chênh lệch đó là thu nhập, lợi nhuận thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút.

Khi xác định thu nhập, lợi nhuận của người bị thiệt hại phải xác định rõ các yếu tố khách quan tác động đến sự tăng hoặc giảm thu nhập, lợi nhuận của người bị thiệt hại không liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm xác định thu nhập, lợi nhuận thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút.

Đối với trường hợp có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng khi xác định thiệt hại tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm so với thời điểm trước khi xảy ra hành vi xâm phạm, thu nhập, lợi nhuận của bên bị xâm phạm tuy không giảm sút, nhưng so với thu nhập, lợi nhuận thực tế đáng lẽ ra họ phải có được nếu không có hành vi xâm phạm vẫn bị giảm đi, thì trường hợp này cũng được coi là thu nhập, lợi nhuận bị giảm sút.

Ví dụ: Năm 2004 Công ty A. đầu tư dây chuyền công nghệ mới sản xuất thép xây dựng mang nhãn hiệu “TN”. Thị trường xây dựng đang tiêu thụ rất nhiều loại thép này. Căn cứ vào yêu cầu đặt hàng, thì Công ty A. có thể tiêu thụ được 200.000 tấn thép “TN” đạt doanh thu 10 tỷ đồng (VNĐ), lợi nhuận 2 tỷ VNĐ (100%). Do Công ty B. sử dụng trái phép nhãn hiệu “TN” của Công ty A. để gắn lên sản phẩm thép của mình và bán ra thị trường làm cho Công ty A bị mất 20% thị phần, không tiêu thụ được 40.000 tấn thép, giảm 20% doanh thu và 20% lợi nhuận (bằng 400 triệu VNĐ). So với lợi nhuận của năm trước (2005), thì lợi nhuận của năm 2006 không bị giảm. Nhưng do có hành vi xâm phạm của Công ty B. mà Công ty A bị giảm 400 triệu VNĐ lợi nhuận. Đây được coi là thiệt hại của Công ty A.

1.6. Tổn thất về cơ hội kinh doanh được xác định theo quy định tại Điều 19 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.

Cơ hội kinh doanh là hoàn cảnh thuận lợi, khả năng thực tế để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ sử dụng, khai thác trực tiếp, cho người khác thuê, chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cho người khác...để thu lợi nhuận.

a) Cơ hội kinh doanh bao gồm:

a.1) Khả năng thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh. Cụ thể là đối với chủ thể quyền, việc sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của mình trong kinh doanh (trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi) có thể xuất hiện, có thể xảy ra trong Điều kiện nhất định.

a.2) Khả năng thực tế cho người khác thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính). Cụ thể là chủ thể quyền có thể cho cá nhân, tổ chức thuê đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và đã thực hiện việc đàm phán, thoả thuận với cá nhân, tổ chức về những nội dung chủ yếu để đi đến ký kết hợp đồng thuê đối tượng đó. Hợp đồng sẽ được ký kết và thực hiện trong Điều kiện bình thường không có sự xâm phạm từ người thứ ba.

a.3) Khả năng thực tế chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đó cho người khác. Cụ thể là chủ thể quyền nhận được đơn đặt hàng đã đàm phán, thoả thuận với đối tác về những nội dung chủ yếu để đi đến ký kết hợp đồng và hợp đồng sẽ được ký kết và được thực hiện trong Điều kiện không có sự xâm phạm từ phía người thứ ba.

a.4) Cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra. Trường hợp này có thể bao gồm việc mất cơ hội đàm phán với đối tác, mất cơ hội kinh doanh, liên kết trong đầu tư, trong tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại thông qua các cuộc triển lãm, trưng bày quốc tế... do bị chiếm đoạt đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

b) Tổn thất về cơ hội kinh doanh là thiệt hại về giá trị tính được thành tiền khoản thu nhập mà người bị thiệt hại có thể có được khi thực hiện các khả năng quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.6 này, nhưng thực tế không có được khoản thu nhập đó do hành vi xâm phạm gây ra.

Khi xem xét yêu cầu bồi thường về tổn thất cơ hội kinh doanh, Toà án yêu cầu người bị thiệt hại phải nêu rõ và chứng minh cơ hội kinh doanh bị mất là gì, thuộc trường hợp nào nêu trên đây và giá trị tính được thành tiền đối với trường hợp đó để Toà án xem xét quyết định.

1.7. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại bao gồm các chi phí quy định tại Điều 20 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP.

1.8. Thiệt hại về tinh thần nêu tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần I này, phát sinh là do quyền nhân thân của tác giả tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn, tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bị xâm phạm, tác giả bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm, bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm (uy tín), danh tiếng, lòng tin vì bị hiểu nhầm... và cần phải được bồi thường thiệt hại về tinh thần.

Trên đây là nội dung quy định về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP.

Trân trọng!

Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hỏi đáp mới nhất về Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hỏi đáp pháp luật
Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hỏi đáp pháp luật
Yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hỏi đáp pháp luật
Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thư Viện Pháp Luật
677 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào