Cấu thành tội phạm của Tội sử dụng trái phép tài sản?
Cấu thành tội phạm của Tội sử dụng trái phép tài sản?
Tại Điều 177 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định như sau:
Tội sử dụng trái phép tài sản
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Tài sản là bảo vật quốc gia;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định cấu thành tội phạm của Tội sử dụng trái phép tài sản cụ thể như sau:
1. Về mặt khách quan của tội phạm:
- Về hành vi: Người phạm tội có hành vi sử dụng trái phép tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý hợp pháp của người khác.
Hành vi sử dụng trái phép tài sản ở đây có thể được hiểu là hành vi của người phạm tội tự ý khai thác giá trị sử dụng của tài sản, mặc dù người phạm tội không có quyền sử dụng đối với tài sản đó mà không nhằm mục đích chiếm đoạt, chiếm hữu tài sản đó làm của riêng.
- Về mặt hậu quả: Giá trị sử dụng của tài sản bị khai thác, sử dụng trái pháp luật và những thiệt hại khác do hành vi sử dụng trái pháp luật tài sản đó gây ra.
2. Về mặt chủ quan của tội phạm:
- Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp.
Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản hợp pháp của người khác, đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị người phạm tội khai thác giá trị sử dụng trái pháp luật nhằm vụ lợi và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
- Mục đích của hành vi phạm tội là dấu hiệu bắt buộc: Nhằm khai thác giá trị sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người khác.
- Động cơ của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc: Vụ lợi cá nhân hoặc cho người khác (có thể là người thân thích, bạn bè,...).
Cấu thành tội phạm của Tội sử dụng trái phép tài sản? (Hình từ Internet)
3. Mặt khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến quyền sử dụng tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.
4. Về mặt chủ thể của tội phạm:
Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?