Kết hôn ở nước ngoài ly hôn ở Việt Nam được không?
Căn cứ pháp lý:
- Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Khoản 1 Điều 28; Khoản 3 Điều 35; Điểm a Khoản 1 Điều 37 và Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP.
Theo quy định tại Khoản 25 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Như vậy, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng bạn thực hiện ở nước ngoài nên chưa được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Để có thể ly hôn ở Việt Nam, bạn cần thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng bạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP:
“Hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.
Bạn thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Bộ Ngoại giao, hồ sơ cần chuẩn bị:
- 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu quy định;
- Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp; 01 bản chụp giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
- Giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự, đã được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước ngoài chứng nhận; (ở đây là giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ chồng bạn)
- 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nếu giấy tờ, tài liệu đó không được lập bằng các thứ tiếng trên;
- 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu (giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và 01 bản dịch (trong trường hợp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không được lập bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh)) để lưu tại Bộ Ngoại giao.
Thời hạn giải quyết là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ, tài liệu trở lên thì thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc.
Sau khi thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn hoặc chồng bạn cư trú trước khi xuất cảnh. (Khoản 1 Điều 28; Khoản 3 Điều 35; Điểm a Khoản 1 Điều 37 và Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015)
Ban biên tập thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?