07 trường hợp quyền sở hữu bị chấm dứt
Pháp luật hiện hành của nước ta có quy định: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Theo đó, tại Điều 237 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định quyền sở hữu chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.
Trường hợp này đuợc hiểu là khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.
- Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình. Cụ thể, trường hợp này được quy định như sau:
+ Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.
+ Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.
- Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy. Cụ thể:
Khi tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt.
- Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu. Theo đó:
+ Quyền sở hữu đối với một tài sản chấm dứt khi tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, nếu pháp luật không có quy định khác.
+ Việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu không áp dụng đối với tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật.
+ Quyền sở hữu đối với tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu chấm dứt tại thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người nhận tài sản đó.
+ Việc xử lý quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Tài sản bị trưng mua.
Trường hợp Nhà nước trưng mua tài sản theo quy định của luật thì quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu đó chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.
- Tài sản bị tịch thu.
Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.
- Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.
+ Tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc; vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định tại các điều từ Điều 228 đến Điều 233 của Bộ luật dân sự thì quyền sở hữu của những người có tài sản đó chấm dứt.
+ Khi quyền sở hữu của người chiếm hữu, người được lợi về tài sản đã được xác lập theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật dân sự hoặc quy định khác của luật có liên quan thì chấm dứt quyền sở hữu của người có tài sản bị chiếm hữu.
Ngoài 07 trường hợp nêu trên thì còn có các trường hợp khác do pháp luật quy định khi phát sinh bạn nhé.
Trên đây là nội dung trả lời về các trường hợp chấm dứt quyền sở hữu.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?