Công ty lắp đặt nội thất có bắt buộc phải có Chứng chỉ năng lực xây dựng?
Theo quy định tại Luật Xây dựng 2014 thì công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.
Theo quy định tại Khoản 38 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 thì thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.
Trong đó, theo quy định tại Khoản 39 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 thì thiết bị lắp đặt vào công trình gồm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ. Thiết bị công trình là thiết bị được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế xây dựng. Thiết bị công nghệ là thiết bị nằm trong dây chuyền công nghệ được lắp đặt vào công trình xây dựng theo thiết kế công nghệ.
Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì hoạt động lắp đặt nội thất của công trình xây dựng, bao gồm lắp đặt các thiết bị như là sàn gỗ, cửa gỗ, tay cầm cầu thang,... của các công trình xây dựng được xác định là hoạt động lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng (không phải là hoạt động xây dựng).
Mặt khác, Theo quy định tại Khoản 20 Điều 1 Nghị định 100/2018/NĐ-CP thì các tổ chức phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:
- Khảo sát xây dựng, bao gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình.
- Lập quy hoạch xây dựng.
- Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, bao gồm: Thiết kế kiến trúc công trình; thiết kế kết cấu công trình dân dụng - công nghiệp; thiết kế cơ - điện công trình; thiết kế cấp - thoát nước công trình; thiết kế xây dựng công trình giao thông; thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.
- Quản lý dự án đầu tư xây dựng.
- Thi công xây dựng công trình.
- Giám sát thi công xây dựng công trình.
- Kiểm định xây dựng.
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Trong đó không bao gồm hoạt động lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng.
Như vậy: Căn cứ các quy định trên đây thì có thể xác định các tổ chức khi tham gia hoạt động lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng thì không bắt buộc phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Kết luận: Đối với trường hợp công ty bạn chỉ hoạt động lắp đặt nội thất của công trình xây dựng, bao gồm lắp đặt các thiết bị như là sàn gỗ, cửa gỗ, tay cầm cầu thang,... của các công trình xây dựng thì không cần phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?