Các yêu cầu đảm bảo an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá
Các yêu cầu đảm bảo an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2012/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn lao động trong khai thác và chế biến đá do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, cụ thể như sau:
1. Chỉ cấp phép khai thác, chế biến đá ở những địa điểm đảm bảo bán kính an toàn trong quá trình nổ mìn và chế biến đá.
Diện tích cấp phép và thời gian cấp phép phải đảm bảo để thiết kế và hoạt động khai thác, chế biến đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức, cá nhân và mọi người lao động tiến hành khai thác và chế biến đá đều phải thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
3. Các đơn vị phải có các chức danh sau đây (về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực cán bộ theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước):
3.1. Giám đốc điều hành mỏ.
3.2. Người chỉ huy nổ mìn.
3.3. Cán bộ chuyên trách (hoặc bán chuyên trách) về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.
4. Đơn vị khai thác đá phải xây dựng và ban hành nội quy lao động của mỏ theo quy định của pháp luật về lao động. Các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn về an toàn lao động và vệ sinh lao động do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
5. Người lao động phải có đủ sức khỏe và được khám sức khỏe định kỳ hàng năm theo quy định hiện hành của cơ quan y tế có thẩm quyền. Không được tiếp nhận người không đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn quy định đối với công việc đang đảm nhận.
6. Người lao động trước khi bố trí công việc tại mỏ phải được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định; lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được cấp thẻ an toàn lao động.
7. Đơn vị khai thác đá phải đảm bảo:
7.1. Mỏ phải có đường lên xuống núi để công nhân đi lại thuận lợi, an toàn. Khi độ dốc của đường lớn hơn 300 phải có lan can chắc chắn;
7.2. Có phương tiện chuyên chở phù hợp cho người đi làm phải qua sông, suối, hồ trong mặt bằng thi công. Các phương tiện chuyên chở bằng đường thủy phải đảm bảo an toàn theo quy định đăng kiểm Việt Nam hiện hành.
7.3. Có đầy đủ tài liệu địa chất, thiết kế thi công, hộ chiếu khoan, nổ mìn và hộ chiếu xúc, bốc, vận tải.
8. Người sử dụng lao động và người lao động phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ hiện hành. Đặc biệt chú trọng những điểm sau:
8.1. Người sử dụng lao động phải thực hiện các chế độ bảo hộ lao động cho người lao động như: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác có liên quan; tại những khu vực nguy hiểm, phải có biển báo, bảng chỉ dẫn an toàn, đề phòng tai nạn được đặt tại vị trí dễ thấy, dễ đọc. Các vị trí đặt thiết bị, trạm điện, trạm bơm … phải có nội quy vận hành và nội quy an toàn lao động.
8.2. Nhà cửa, công trình trong phạm vi công trường phải theo đúng các yêu cầu quy định về phòng chống cháy nổ; nơi ăn, ở của công nhân phải cách ly với khu vực sản xuất và chế biến đá, nằm ngoài bán kính của vùng nguy hiểm khi nổ mìn đã được quy định trong thiết kế và không ở cuối hướng gió chính trong năm;
8.3. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố về an toàn lao động, phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để loại trừ; khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động, giám đốc điều hành mỏ phải thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp để loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố; cấp cứu, sơ tán người ra khỏi vùng nguy hiểm; kịp thời báo cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật.
8.4. Người sử dụng lao động phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về an toàn lao động và vệ sinh lao động theo quy định.
8.5. Tất cả các trường hợp tai nạn lao động, sự cố có liên quan đến người lao động phải được khai báo, điều tra, xử lý, thống kê theo các quy định của pháp luật hiện hành.
9. Khi giao việc mỗi ca, cán bộ chỉ huy (đội trưởng, quản đốc, cán bộ quản lý …) phải ghi Sổ phân công hoặc Phiếu giao việc/ Nhật lệnh sản xuất cho từng công nhân làm việc độc lập hoặc tổ, đội sản xuất, trong đó phải ghi đầy đủ và cụ thể biện pháp an toàn - vệ sinh lao động. Người giao việc và người nhận việc phải ký vào sổ hoặc phiếu.
10. Khi bố trí người vào làm việc, cán bộ trực tiếp chỉ đạo sản xuất (tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc) phải xem xét cụ thể hiện trường, nếu đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động mới bố trí công việc.
11. Người lao động phải sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân được trang cấp, chấp hành nghiêm chỉnh những quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Khi phát hiện thấy hiện tượng nguy hiểm, bản thân phải tích cực đề phòng và báo ngay cho cán bộ phụ trách biết để có biện pháp giải quyết kịp thời. Người lao động có quyền từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ tai nạn lao động, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe của mình.
12. Ngoài những điều quy định trong quy chuẩn này, các cơ sở khai thác và chế biến đá phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường có liên quan.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?