Hoạt động điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan
Hoạt động điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan được quy định tại Điều 7 Quy định về hoạt động nghiệp vụ kiểm soát Hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kèm theo Quyết định 1843/QĐ-TCHQ năm 2011 như sau:
1. Trách nhiệm chủ trì điều tra và xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan
1.1. Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì:
a) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục phát hiện, xác lập.
b) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.
c) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án có tính chất phức tạp (trị giá hàng hóa vi phạm lớn, đối tượng vi phạm hoạt động có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, có dấu hiệu móc nối nội bộ hải quan, liên quan tới nhiều Cục Hải quan tỉnh, thành phố).
d) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục Hải quan tỉnh, thành phố phát hiện, đấu tranh, nhưng do yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo bàn giao cho Cục Điều tra chống buôn lậu trực tiếp thụ lý điều tra.
đ) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục Hải quan tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng khác bàn giao.
1.2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố chủ trì:
a) Xác lập chuyên án, kế hoạch đấu tranh đối với vi phạm xảy ra tại địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, do Cục phát hiện.
b) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
c) Kế hoạch đấu tranh, chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu, cơ quan chức năng khác bàn giao.
1.3. Chi cục Hải quan cửa khẩu chủ trì:
a) Đấu tranh đối với hành vi phạm tội quả tang, vi phạm xảy ra tại địa bàn quản lý của Chi cục, do Chi cục phát hiện.
b) Vụ việc do Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện hoặc Đội Kiểm soát chống buôn lậu bàn giao.
2. Bàn giao vụ việc, chuyên án giữa các đơn vị hải quan.
2.1. Khi phát hiện vụ việc vi phạm không thuộc trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này thì bàn giao vụ việc cho đơn vị có trách nhiệm chủ trì.
2.2. Việc bàn giao thông tin, hồ sơ, đối tượng, phương tiện, tang vật (nếu có) của vụ việc, chuyên án phải đúng trình tự, thủ tục quy định. Chỉ bàn giao vụ việc khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu.
2.3. Đơn vị tiếp nhận vụ việc, phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị bàn giao biết kết quả điều tra, xử lý chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc vụ việc.
3. Phối hợp đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và điều tra, xử lý
3.1. Các đơn vị trong Ngành, khi nhận được yêu cầu huy động, phối hợp của các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu để đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ và điều tra, xử lý vi phạm phải có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo yêu cầu; nếu gặp khó khăn phải thông báo kịp thời bằng văn bản cho đơn vị chủ trì.
Đơn vị kiểm soát hải quan cấp dưới có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ thu thập thông tin, trinh sát, điều tra, khám xét, bắt giữ, … theo đúng quy định và theo chỉ đạo, yêu cầu của đơn vị kiểm soát cấp trên.
3.2. Đơn vị chủ trì vụ việc có trách nhiệm gửi yêu cầu phối hợp bằng văn bản (do lãnh đạo Cục, lãnh đạo các đơn vị kiểm soát hải quan thuộc Cục ký). Nội dung văn bản phải thể hiện rõ các yêu cầu về lực lượng, biện pháp nghiệp vụ, trang thiết bị, thời gian, địa điểm cần phối hợp. Thông báo bằng văn bản cho đơn vị phối hợp biết kết quả điều tra, xử lý.
3.3. Trường hợp khẩn cấp, cần ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, tẩu tán tang vật, bắt giữ đối tượng bỏ trốn; có thông tin chính xác về hành vi vi phạm thì các Chi cục Hải quan, đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các Đổi Kiểm soát, Hải đội kiểm soát thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu trực tiếp phối hợp:
a) Vụ việc thuộc kế hoạch, chuyên án của đơn vị kiểm soát hải quan đang đấu tranh thì đơn vị kiểm soát gửi yêu cầu phối hợp bằng điện fax, giấy giới thiệu (do lãnh đạo cấp Cục hoặc Chi cục, Đội Kiểm soát, Hải đội ký) hoặc cử cán bộ làm việc trực tiếp với Chi cục Hải quan (nơi xảy ra vi phạm) thông báo quyết định khám xét, tạm giữ và yêu cầu tổ chức thực hiện quyết định.
Chi cục Hải quan có trách nhiệm bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện cần thiết thực hiện quyết định; Đồng thời báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết, chỉ đạo.
b) Cán bộ kiểm soát hải quan, khi thực hiện nhiệm vụ phát hiện vụ việc khẩn cấp (không thuộc kế hoạch, chuyên án của đơn vị đang đấu tranh) thì làm việc với Chi cục Hải quan cửa khẩu (nơi xảy ra vi phạm) để Chi cục chủ trì tổ chức ngăn chặn, khám xét, bắt giữ, báo cáo lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị.
4. Xử lý hàng hóa, phương tiện, tang vật vi phạm:
4.1. Trường hợp xác định toàn bộ lô hàng vi phạm phải xử phạt hành chính, truy thu thuế: đơn vị chủ trì ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền, Chi cục Hải quan ra quyết định truy thu thuế theo quy định.
4.2. Trường hợp xác định toàn bộ lô hàng vi phạm phải xử phạt hành chính, tịch thu hàng hóa vi phạm:
a) Đơn vị chủ trì ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, quyết định xử phạt và chịu trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm.
b) Trường hợp đơn vị chủ trì là Cục Điều tra chống buôn lậu thì tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hoặc phối hợp Cục Hải quan tỉnh, thành phố bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm.
c) Trường hợp đơn vị chủ trì là Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hoặc bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi xảy ra vi phạm; bàn giao cho Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố (những vụ việc đang chờ quyết định xử lý của Cục).
4.3. Trường hợp vi phạm hình sự thì phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
4.4. Trường hợp phát hiện, bắt giữ quả tang vụ án ma túy hoặc nghi là ma túy thì phối hợp và chuyển giao vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
4.5. Trường hợp xác định một phần lô hàng vi phạm:
a) Đối với phần lô hàng vi phạm phối hợp xử lý theo quy định tại điểm 4.1 và 4.2 khoản 4 Điều này.
b) Đối với phần lô hàng không vi phạm thì đơn vị chủ trì lập biên bản chứng nhận. Chi cục Hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan.
5. Chi phí hoạt động ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý và các khoản chi phí khác (lưu kho, bốc xếp, …) đảm bảo từ nguồn kinh phí của đơn vị chủ trì, theo chế độ hiện hành, Quyết định số 82/2005/QĐ-BTC ngày 21/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí chi cho hoạt động nghiệp vụ đặc thù của lực lượng kiểm soát hải quan, Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 59/2008/TT-BTC , Quyết định số 3107/QĐ-BTC ngày 26/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
6. Khi cần thiết, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc điều tra, xử lý, giải quyết đối với các chuyên án, vụ việc vi phạm.
Trên đây là nội dung quy định về hoạt động điều tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1843/QĐ-TCHQ năm 2011.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?