Chế độ phối hợp giữa VKS và Tòa án trong giai đoạn xét xử để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung được quy định như thế nào?
Theo quy định từ Điều 13 Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về quy định việc phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung do Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng ban hành thì chế độ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn xét xử để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung được quy định cụ thể như sau:
1. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu thấy có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trao đổi với Kiểm sát viên để có biện pháp khắc phục kịp thời hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nếu Kiểm sát viên và Thẩm phán không thống nhất ý kiến, thì báo cáo lãnh đạo liên ngành xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Hội đồng xét xử làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Nếu có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại các điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này hoặc phát sinh những vấn đề mới, phức tạp mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của Kiểm sát viên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
3. Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Tòa án thụ lý xét xử sơ thẩm trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để làm rõ những vấn đề điều tra bổ sung. Trước khi Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo với Viện kiểm sát cấp trên xem xét, trao đổi với Tòa án. Trường hợp Tòa án vẫn quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì xử lý như sau:
a) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ thì Viện kiểm sát cấp dưới làm văn bản nêu rõ lý do và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cấp trên để thực hiện việc điều tra bổ sung theo thẩm quyền;
b) Nếu quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án không có căn cứ thì Viện kiểm sát cấp dưới có văn bản nêu rõ lý do giữ nguyên quyết định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án để đưa vụ án ra xét xử đồng thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên.
4. Trường hợp vụ án có bị can đang bị tạm giam mà xét thấy cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trước khi hết thời hạn tạm giam ít nhất 07 ngày, Tòa án thông báo cho Viện kiểm sát biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.
Trên đây là nội dung tư vấn về chế độ phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong giai đoạn xét xử để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?