Để xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I cần đáp ứng các tiêu chuẩn thế nào?
- Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành đăng kiểm hiện nay là gì?
- Tiêu chuẩn để xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I cần đáp ứng những gì?
- Đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I cần đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thế nào?
Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành đăng kiểm hiện nay là gì?
Căn cứ tại Điều 3 Thông tư 45/2022/TT-BGTVT có quy định Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp đối với một viên chức chuyên ngành đăng kiểm cần đáp ứng sau đây:
- Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Trung thực, khách quan, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao; thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
- Có ý thức trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nghề nghiệp; không lạm dụng vị trí công tác, nhiệm vụ được phân công để trục lợi; đoàn kết, sáng tạo, tự nâng cao trình độ, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi kiến thức mới; có ý thức phối hợp, giúp đỡ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác; tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để phát triển nghề nghiệp và nâng cao trình độ.
Viên chức đăng kiểm hạng I (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn để xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I cần đáp ứng những gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Thông tư 45/2022/TT-BGTVT quy định như sau:
Viên chức đăng kiểm hạng I - Mã số: V.12.31.01
...
4. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I:
Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
a) Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng II và tương đương từ đủ 06 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;
b) Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng II và tương đương đã tham gia xây dựng ít nhất 02 (hai) văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 02 (hai) đề tài, đề án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp bộ trở lên liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm đã được cấp có thẩm quyền ban hành, nghiệm thu hoặc phê duyệt.
Như vậy, Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 4 như trên.
Đối với chức danh nghề nghiệp Viên chức đăng kiểm hạng I cần đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thế nào?
Cụ thể theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 45/2022/TT-BGTVT quy định về nhiệm vụ của viên chức đăng kiểm hạng I như sau:
Viên chức đăng kiểm hạng I - Mã số: V.12.31.01
1. Nhiệm vụ
a) Chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực đăng kiểm thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, kế hoạch phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý đăng kiểm;
c) Chủ trì nghiên cứu, xây dựng quy chế quản lý nghiệp vụ chuyên ngành đăng kiểm;
d) Chủ trì tổ chức tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động của công tác đăng kiểm;
đ) Chủ trì nghiên cứu đề tài, đề án, các công trình nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động đăng kiểm;
e) Chủ trì tổ chức biên soạn, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực đăng kiểm; chủ trì tổ chức tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên ngành đăng kiểm;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao.
Theo đó, có tất cả 07 nhiệm vụ đối với viên chức đăng kiểm hạng I cần tuân thủ thực hiện đúng với quy định pháp luật.
Hiện nay, Thông tư 45/2022/TT-BGTVT chưa có hiêu lực và sắp tới sẽ có hiệu lực vào ngày 01/3/2023.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?